Sóc Trăng là một tỉnh miền Tây Nam Bộ rất đa dạng văn hóa, nơi cộng đồng người Việt, người Khơ-me và cả người Hoa cùng sinh sống. Bởi vậy ẩm thực của vùng đất này là sự hòa quyện khéo léo mang dấu ấn cả ba nền văn hóa. Tới đây, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn dân giã nhưng đã vang danh ba miền của Sóc Trăng.
Bún nước lèo
Bún nước lèo không chỉ được bán ở Sóc Trăng nhưng để có một tô bún ngon đúng điệu thì nhất định phải thưởng thức ở đây. Người dân Sóc Trăng có cách chế biến rất tài tình, nước lèo trong vắt, không có cặn mà lại đậm đà, ngọt ngào. Bỏ mắm vào nồi nước, đun xôi, vừa đun vừa hớt cặn. Cá lóc đồng làm sạch, lóc hết xương rồi đem xương giã cùng gia vị, bọc trong một tấm lọc để vắt lấy nước vào nồi nước dùng. Nước bún vì thế mà ngọt vị cá, thơm mùi gia vị nhưng không hề có cặn.
Khi ăn, bún được trụng sơ qua trong nước sôi để sợi bún không dính vào nhau. Sau đó múc một muỗng nước lèo chan ngập bún, bỏ chút cá phi lê, tôm, thịt cùng rau chuối, hoa chuối thái mỏng, lá hẹ, rau sống ăn kèm. Vị đậm đà của nước dùng, thơm ngon của cá cùng các loại gia vị tươi sống khiến bún nước lèo rất dễ ăn, được cả người địa phương và du khách ưa chuộng.
Bún gỏi dà
Bún gỏi dà có cách làm khá đơn giản: bún trụng qua nước xôi, đổ ra tô rồi bày biện thịt, tôm, tép lên trên cùng rau sống, rưới nước tương đậu phộng sau cuối. Khi ăn người ta trộn đều chúng, có thể thêm chút nước dùng cho đậm đà. Món ăn tưởng như đơn giản ấy lại khiến thực khác nhớ mãi hương vị của miếng thịt heo mềm ngọt, con tôm đỏ gạch và chút mắm tép đất đậm đà. Vị của bún hòa quyện cùng vị tỏi bằm phi và nước tương đậu khiến du khách ăn một lần còn nhớ mãi.
Cháo cá lóc rau đắng
Cháo cá lóc rau đắng là món ăn dân giã quen thuộc của người Sóc Trăng. Nguyên liệu chủ yếu chỉ gồm gạo, cá lóc và rau đắng. Mùa nước nổi, cá lóc ngoài đồng, ngoài kênh nhiều và cũng ngọt thịt hơn những mùa khác. Người ta đem cá lóc lột sạch da và xương, chỉ lấy phần thịt trắng tinh đem hấp lên. Gạo nấu cháo cũng là loại gạo dẻo thơm, nấu từ từ cho tới khi hạt gạo chín nhừ. Rau đắng rửa sạch, thái nhỏ. Ăn tới đâu thì múc cháo tới đấy, cho cá hấp lên trên, rắc thêm rau đắng, chút mắm, hành, tiêu cho vừa miệng và thưởng thức. Vị ngọt của gạo, của cá cùng cái hơi đăng đắng của loại rau đặc biệt đem tới một món cháo rất thơm ngon.
Hủ tiếu cá
Hủ tiếu cá là món ngon không thể thiếu khi nhắc tới ẩm thực Sóc Trăng. Người Sóc Trăng nấu nước lèo ninh từ xương heo trong nhiều giờ, vớt hết bọt để nước luôn trong và tuyệt đối không bỏ thêm dầu mỡ. Cá để làm hủ tiếu phải là cá chẽm, lọc bỏ phần xương. Tùy theo sở thích từng người, từng vùng mà người ta ăn thêm cả mực, thịt heo, tôm hay những loại khác. Vị thanh tao của nước lèo, béo ngọt của cá chẽm và cay cay của tiêu xanh khiến hương vị món hủ tiếu thật khó quên.
Bánh ống lá dứa
Bánh ống lá dứa được làm từ bột gạo sau khi đã xay thành bột, nhào cùng nước lá dứa, nước đường, nước cốt dừa. Bánh được đựng trong ống tre hoặc ống nhôm rồi đem hấp cách thủy nên mới có tên gọi là bánh ống. Bánh ống ngon nhất khi thưởng thức nóng, chiếc bánh nhỏ xinh vừa chui ra khỏi ống tre đã được lăn mình qua lớp dừa nạo, rắc thêm chút mè rang thơm phức. Bánh ống có màu xanh đẹp mắt của lá dứa, mùi thơm của dừa và mè rang; vị beo béo của nước cốt dừa, vị ngọt xốp của bột gạo hấp. Thật khó có thể quên đi thứ bánh ngon lành ấy, nhất là khi những bánh kẹo ăn sẵn luôn gọt gắt và thơm hương liệu nhân tạo.
Bánh pía thực chất là món ăn mà người Triều Châu đã đem tới mảnh đất Sóc Trăng trong quá trình an cư lập nghiệp của họ. “Pía” trong tiếng Hoa có nghĩa là bánh, lâu dần người ta dùng nó như tên gọi chỉ món bánh tròn dẹt này.
Bánh có lớp vỏ ngoài làm từ bột mì và đường kính. Lớp nhân bên trong khá đa dạng: đậu xanh, đậu đỏ, sầu riêng, mè đen, khoai, mứt các loại…cùng với hột vịt muối. Bánh pía được phết một lớp nước đường thắng để có màu vàng đẹp mắt hơn khi nướng. Bánh pía ngọt ngào, quyến rũ đã mê hoặc bao du khách, có mặt ở khắp mọi miền đất nước.
Bánh cống
Bánh cống, hay bánh coóng đều là tên gọi chỉ loại bánh có hình dáng chỉ nhỉnh hơn chiếc chén uống nước một chút. Đây là món ăn truyền thống của người Khơ – me, Vỏ bánh làm từ bột gạo, bột đậu xanh nghiền thành bột, nhào cùng trứng để có màu vàng tươi đẹp mắt. Nhân bánh gồm thịt bằm nhỏ, hành tím, đậu xanh hấp. Bánh sau khi nặn thành hình mới được đặt một con tôm lên trên. Sau đó, bánh được chiên trong chảo ngập dầu cho chín vàng, vớt ra để ráo dầu, ăn kèm các loại rau rừng, rau sống và nước chấm chua ngọt.
Không cần phải tốn nhiều tiền cho những bữa ăn xa xỉ, những món ăn đa dạng, bình dị của mảnh đất Sóc Trăng có thể “đốn gục” những du khách khó chiều nhất ngay từ lần đầu thưởng thức. Trong bốn mùa, mùa nước nổi lại càng nhiều món ngon mà bạn không nên bỏ lỡ!