Nghề nghe ‘cá thở’ của thầy đìa miền Tây

Để có thầu ao khai thác cá kiếm lời hay không, những nông dân được mệnh danh là thầy đìa ở Cà Mau quan sát mặt nước, rình nghe tiếng cá ngớp, táp mồi, quẫy đuôi…

Bằng cách đó, họ sẽ tính ra được một mét vuông mặt nước có bao nhiêu cá rồi nhân lên cho cả đìa (ao), cả đoạn kênh. Các công đoạn đều được làm rất cẩn trọng, bởi chỉ cần sai sót nhỏ thì họ có khả năng lỗ vốn.

Ở Cà Mau, đồng đất U Minh Hạ được xem là nơi trù phú, thiên nhiên ban tặng nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thời khai hoang mở đất, cư dân tứ xứ đến đây sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác cá đồng.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PT NT tỉnh Cà Mau, nếu như sản lượng cá đồng trung bình mỗi năm trước đây đạt khoảng 30.000 tấn (tính cả cá nuôi), thì sản lượng vụ mùa năm 2014 chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, năm 2015 chỉ còn khoảng 15.000 tấn. Dự báo sản lượng cá đồng của năm 2016 sẽ còn suy giảm nhiều hơn. Lý do nguồn cá đồng cạn kiệt, một phần là do người dân chuyên canh lúa quanh năm, làm cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gia tăng và thải trực tiếp xuống môi trường nước, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và phát triển của cá. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào các vùng ngọt hoá khiến các loài thuỷ sản thuộc hệ sinh thái ngọt cũng dần mất đi. Khi bước vào mùa khô, mặt ruộng khô cạn nước, cá đồng rút vào các con kinh, rạch, ao đìa trú ngụ. Đây cũng là thời điểm người dân thu hoạch cá đồng tự nhiên, thế nhưng người dân đánh bắt cá bằng nhiều hình thức mang tính tận diệt làm cho nguồn lợi cá đồng suy giảm rất nhanh. Trong ảnh: Người dân tại huyện Trần Văn Thời thu hoạch cá đồng trên sông theo kiểu thả chà, làm cho lượng cá bố mẹ mất đi ảnh hưởng không nhỏ đến lượng cá những mùa tiếp theo

Để đón luồng cá trước khi đào đìa, họ phải quan sát bằng cách nhìn trời, nhìn đất, nghe gió thổi rồi định vị. Chính nghề này đã giúp những lưu dân nghèo khổ gầy dựng nên cơ nghiệp.

Thầy đìa Năm Điệt (Nguyễn Văn Điệt, ở huyện U Minh) sống với nghề này hàng chục năm qua nói rằng, ngày xưa và bây giờ, hầu như làng xóm, gia đình nào cũng có đìa. Nó như một nét văn hóa đặc thù ở miệt rừng tràm này.

Người dân U Minh thu hoạch cá bằng nhiều cách như tát đìa, kéo lưới, mò, nhưng chụp đìa được xem là cách sáng tạo nhất. “Vùng này cá đồng tự nhiên nhiều vô kể nên người ta chỉ cần đào đìa, đợi nắng hạn là cá từ ngoài đồng lại ùn ùn kéo về trú ẩn đầy ắp”, thầy đìa Năm Điệt nói và cho biết ngoài khai thác cá tại ao nhà mình, nhiều người giàu kinh nghiệm còn đi đấu thầu các đoạn kênh thuộc quyền quản lý của Nhà nước rồi khai thác, bán kiếm lời.

Bí quyết hơn thua nhau giữa các thầy đìa là ở chỗ kinh nghiệm thực tế. Trước khi quyết định ra giá thầu, người mua phải xem vị trí đìa, hay đoạn kênh có tiếp xúc suốt ngày với ánh nắng mặt trời hay không. Vì theo họ, cá đồng ở nhiều nhất phải là nơi tránh ánh nắng và cả hướng gió bấc thổi dọc đìa. Ngoài ra, các ao còn phải nằm ở vùng đất cao để cá không chịu phèn đọng, bị nổ mắt hoặc còi cọc.

anh-keo-luoi-thu-hoach-ca-4982-1477975343

Thú vị hơn, các thầy đìa còn rình nghe tiếng cá ngớp, ục, táp mồi, quẫy đuôi hay thở. Nhiều người cẩn thận, họ phải thọc tay xuống mé đìa tìm dấu cá cọ mình, hay lặn xuống để xem có đụng nhiều cá hay không. Sau khi xác định cá nhiều hay ít, thầy đìa ra giá cuối cùng để thầu đoạn kênh rồi dùng lưới chụp.

Giàn lưới chụp đìa có lỗ nhỏ, dài hàng nghìn mét và lớn hơn khẩu đìa. Người chụp dọn sạch rong rêu, cỏ dại trên mặt nước rồi thả cuộn lưới xuống giữa lòng đìa, sau đó căng viền lưới ra hai bên thành đìa.

“Các viền lưới được ghim toàn bộ vào thành đìa, cá trong ao sẽ nằm dưới mặt lưới. Người chụp đìa chỉ cần ngồi đợi vài giờ cho cá ngộp, chúng sẽ men vào thành đìa, tìm chỗ chui lên để thở”, thầy đìa Mười Thăng (Trịnh Nhựt Thăng) chia sẻ.

Khi đoán được cá đã chui lên hết mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn nhằm không cho cá còn đường mà chui ngược trở xuống lớp bùn dưới đáy. Sau đó họ kéo hai viền lưới lên, gom cá về một đầu để bắt.

thay-dia-2688-1478997647

Nhiều thầy đìa giỏi nghề khẳng định, sau mùa chụp cá, mỗi gia đình thu về cả chục triệu, có người còn trúng đậm hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Tuy nhiên, nghề này cũng khiến một số thầy đìa thua lỗ, phải bỏ xứ đi tìm việc khác kiếm tiền về trả nợ.

Vốn nổi tiếng là thầy đìa “bách phát bách trúng”, nhưng hơn 20 năm trước ông Sáu Quang (Hồ Minh Quang) phải rời quê vì một lần đón sai số lượng cá dưới đìa khiến ông lâm nợ.

Ông kể, vào mùa khô, khi các thầy đìa tề tựu tại đoạn kinh nuôi cá đồng ở các nông trường để chào giá mua. Chủ đoạn kênh dài hơn 5 km thách giá 100 triệu đồng. Trong lúc các thầy đìa khác chuẩn bị tư thế để đoán cá, ông hét giá 120 triệu đồng để mua.

“Với giá này tôi đã trúng thầu, nhưng khi chụp đìa tôi chỉ thu hoạch được vài trăm kg cá trắng (loại cá nhỏ), mỗi ký chỉ bán được 10 nghìn đồng”, ông nói đó là lần thất bại đầu tiên trong đời nghề coi đìa mấy chục năm của mình.

Nhưng, câu chuyện thất bại của một vài người không làm cho giới thầy đìa vùng này nao núng. Mà họ còn trao đổi, chỉ bảo nhau các ngón nghề để đi thầu đìa không chỉ có ở vùng U Minh Hạ mà còn sang các tỉnh lân cận ở miền Tây.