Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm

Những người Hoa di cư vào đất Cà Mau từ rất sớm, theo sự truyền tụng từ lâu đời người Hoa vào đất Cà Mau lập nghiệp từ hai con đường, thứ nhất là đường biển với những con tàu cập bến Hà Tiên rồi đi qua Cà Mau sinh sống, thứ hai là đường bộ từ Đồng Nai, Biên Hòa tràn xuống vùng đất miền Tây hoang sơ này. Một đặc tính của người Hoa là dù đi bất kỳ nơi đâu vẫn phát huy và phát huy có tác dụng cho cộng đồng: đó là sự kết hợp với nhau thành hội đoàn, những Hội đoàn này có thể theo họ hàng hoặc vùng miền nơi cố hương. Chính những cộng đồng có tính bền vững này mà họ đã tương trợ lẫn nhau nơi đất khách quê người, cùng nhau thăng tiến. Ngay tại chính mãnh đất Cà Mau này, những người Hoa đầu tiên cũng họp nhau thành những nhóm, cùng nhau chọn mãnh đất màu mỡ này làm quê hương thứ hai – quê hương mà họ sẽ gắn bó trọn cuộc đời còn lại của mình. Đã là quê hương thì có nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi làm chốn nương thân cho cõi tâm linh của mình để mơ về một cuộc sống tâm hồn bình ổn hơn.

Ngay từ những buổi sơ khai, những người Hoa ở phường 2 Thành phố Cà Mau bây giờ đã cùng nhau tạo dựng nên một Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm – một ngôi chùa theo đạo Phật nhưng thuộc hệ phái cư sĩ – một hệ phái tu tại gia, hệ phái lấy tu tại tâm là chính yếu bởi sự suy cho cùng, Phật chẳng đâu xa, Phật luôn trú ngụ trong mỗi tâm hồn của chúng ta (theo kinh Phật).

Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của những người Hoa quanh vùng. Qua bao nhiêu biến cố, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm đã được tái tạo một cách nghiêm trang như ngày nay. Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm ngoài việc thờ phượng chính là Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát – theo truyền thuyết của đạo Phật, một vị Bồ Tát luôn xuất hiện giúp đỡ con người trong những cơn nguy khốn của cuộc đời, thì Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm còn thờ những tổ tiên người Hoa xưa kia..