Chùa Monivansa BoPharam

Chùa Khmer tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cà Mau. Chùa là một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hóa của người Khmer Nam Bộ, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, các hàng cột, vách… Chùa gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp để cốt, am…Chính điện là nơi thờ tự chính trong chùa, nằm ở vị trí trung tâm khuôn viên trên nền cao 1.5m, Chính điện được chia làm nhiều cấp, bậc và có hành lang bao quanh. Bên trong chính điện là hai hàng cột cao và to nâng đỡ mái chùa. Mái chùa được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tỏa ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Bên trong Chính điện là một bàn thờ Phật với một tượng Phật to lớn đặt cao hơn hết. Bên dưới là tượng Phật trong nhiều tư thế khác nhau, các thời kỳ hóa thân của Phật. Bàn thờ Phật được trang trí với nhiều hoa văn, điêu khắc phong phú. Trên vách, trên trần và các cột chùa được trang trí bằng nhiều màu sắc, bằng các phù điêu bích họa. Đặc biệt là các bích họa kể lại cuộc đời của đức Phật và chuyện Riêm – kê, tức trường ca Ra-ma-za-ma do họa nhân Danh Bên ở Cà Mau khắc họa.

Sala là nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Khmer. Trong gian sala có bàn thờ Phật và các ghế, sàn là nơi các tín đồ bàn bạc, chuẩn bị trước khi lên Chính điện hành lễ. Trên vách và trần sala được trang trí các họa tiết, bích họa. Chùa có khu vực hỏa thiêu với một nhà thiêu kiến trúc đơn giản, nằm xa trung tâm chùa. Tháp để cốt được xây dựng trong khuôn viên chùa, quanh chính điện. Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục dành cho người Khmer sống quanh vùng. Trong khuôn viên chùa có trường dạy chữ Khmer, dạy kinh…, là nơi lưu giữ các tập truyên kể dân gian xưa và nay, các vốn văn hóa truyền thống. Đối với dân tộc Khmer, tính cộng đồng rất cao, ngôi chùa là nơi thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi.

Khi vào chùa, khách thăm viếng nhớ phải bỏ mũ nón, đi chân không. Chùa là nơi thể hiện rõ nét những tập tục, cũng như những bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer Nam Bộ.

Từ năm 1985 đến nay, Đại đức Thích Hà – Trưởng ban đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau giữ trụ trì, với sự tín nhiệm của cộng đồng Khmer và uy tín với xã hội đã giúp cho chùa nói riêng và bà con dân tộc Khmer nói chung có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm của chính quuyền địa phương cũng như đồng bào Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ vật chất góp công sức xây dựng Chính điện, dự kiến khánh thành vào năm 2008. Đây sẽ là chính điện lớn nhất của tỉnh Cà Mau và là chính điện có kiến trúc độc đáo nhất của người Khmer Nam Bộ.

Hàng năm vào ngày 30/8 và 1/9 Âl diễn ra lễ Sendolta là lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer.