Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Trong tên Cái Mơn, từ Cái có nghĩa là con rạch lớn, Mơn là từ nói chệch của từ Mum (tiếng Khmer có nghĩa là mật ong). Theo các tài liệu khảo cứu về văn hóa Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam thì ngày xưa, hai bờ con rạch ở xứ Cái Mơn này có rất nhiều ong mật vì đây là vùng đất cây trái sum suê, quanh năm đều có hoa nở. Và cái tên Cái Mơn bắt nguồn từ đó.

Có một điều kỳ thú của thiên nhiên là trong khi mọi dòng sông, kênh, rạch đều chảy một hướng thì dòng chảy của rạch Cái Mơn lại đổ từ hai đầu lại. Chỗ giáp của 2 dòng nước được người dân địa phương gọi với một cái tên đầy tính huyền bí là rốn Rồng. Đoạn này con rạch phình ra, nước lặng hình thành nên một chợ nổi cây kiểng nhộn nhịp, thuộc một trong những khu chợ nổi đẹp nhất ở vùng sông nước Cửu Long. Vào lúc sáng sớm, người dân miệt vườn từ hai đầu sông Cổ Chiên và Hàm Luông dong xuồng đi chợ. Đến cuối ngày, lúc dòng Cái Mơn chia đôi ngả chảy ngược về hai đầu cũng là thời điểm dong xuồng ghe về hai đầu dòng nước kết thúc một ngày làm việc.