Về miền Tây nếm thử đặc sản ba khía, ăn không với cơm nóng cũng gây nghiện

Chưa một lần nếm thử đặc sản trứ danh của người miền Tây này, bạn sẽ chưa hiểu hết văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây.

Ba khía là loài vật thường sống ở môi trường nước lợ, rất phổ biến ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… Hình dạng chúng giống như cua đồng, là một loài giáp xác, sống ở ven sông rạch, dưới chân rừng ngập mặn.

Cái tên ba khía bắt nguồn từ 3 dấu gạch ở trên lưng của chúng. Là một loài vật quen thuộc đối với người miền Tây, chúng có một chỗ đứng vững chắc mang đậm văn hóa của ẩm thực miền Tây.

Nếu bạn có dịp du lịch miền Tây vào tháng 10 thì đây chính là mùa ba khía. Người dân đi bắt ba khía vào những ngày mưa bởi lúc này thịt ba khía mới chắc và ngọt. Những gốc cây trong rừng ngập mặn sẽ được bao quanh bởi những con ba khía bu đầy. Người dân sẽ chèo xuồng trong các mương rạch, tìm các gốc đước để “săn” ba khía.

Người miền Tây chia sẻ kinh nghiệm mua ba khía thì đừng nên chọn những con to xác, hãy lựa những con nhỏ nhưng cầm lên thấy chắc tay. Loại này sẽ cho nhiều gạch và thịt chắc. May mắn nhất là gặp được những con đang ôm trứng bởi chúng sẽ mang hương vị rất đặc sắc.

Chỉ từ những con ba khía bé nhỏ, người miền Tây có thể sáng tạo ra rất nhiều món ăn. Phổ biến nhất là ba khía nấu canh chua, ba khía muối hoặc đem rang me, hấp bia, trộn gỏi để làm các món nhậu.

Để nấu một bát canh chua từ ba khía, trước tiên phải rửa chúng thật sạch, tách yếm, bẻ đôi làm hai, tách hết càng, gọng. Ướp ba khía với hành lá giã nhuyễn, thêm đường, nước mắm, tiêu… Bắc dầu nóng rồi phi tỏi thật thơm, cho ba khía vào đảo sơ. Thêm cà chua xắt miếng rồi thêm nước vào. Khi canh sôi, nhanh tay cho thêm me chua, bắp chuối, trái giác vào để tạo vị chua mát. Canh chua ba khía trở thành món ngon mà bạn nên nếm thử khi đến vùng đất này.

Người miền Tây còn nổi tiếng với các loại mắm. Và chắc chắn mắm ba khía cũng là một món ngon đặc sản ở nơi đây. Ba khía được rửa sạch bùn đất rồi cho vào một cái lu chứa nước muối rồi đậy nắp kín lại. Mắm ba khía có thể “ăn xổi” sau 5 – 10 ngày gọi là ba khía muối.

Ba khía muối có ngon hay không phụ thuộc vào độ mặn của nước muối, nếu nhạt quá ba khía sẽ bị hỏng, mặn quá sẽ bị rụng càng, đen da, chát thịt,…

Mắm ba khía để lâu sẽ vô cùng thơm ngon, đem ăn với cơm, cho vào bún, mì đều dậy mùi và dễ gây nghiện. Đến mùa ba khía, nhiều gia đình tự muối một chum thật to để ăn dần trong cả năm. Thậm chí, người miền Tây còn có câu “Đừng lo cưới vợ miệt đồng. Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm”. Đây là một món ăn bình dân, gắn liền với đời sống lao động của người dân nơi đây.

Còn một cách đơn giản nhất để thưởng thức ba khía đó là đem hấp sả. Ba khía hấp sả đã khử được mùi tanh, chấm cùng nước chấm được pha chế đặc biệt, bao gồm sả băm nhuyễn, cơm mẻ, ớt và một chút gia vị vừa ăn. Thịt ba khía được giữ nguyên vị thơm ngọt, kết hợp với vị cay của ớt, thơm của sả và thơm nồng của mẻ.

Ngoài ra, những con ba khía có càng to sẽ được mang đi rang hoặc rim mặn, chiên bột giòn ăn với cơm.