Tháp Vĩnh Hưng là một di tích kiến trúc cổ được xây dựng tại ấp Trung Hưng I, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu ngày nay.
Theo sự khảo sát của các nhà khảo cổ Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20 thì Tháp này được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên.
Tháp được xây dựng trên một diện tích hơn 1.000 m2. Bình diện chân tháp hình chữ nhật với hai cạnh là 5,6 m và 6,9 m, chiều cao của Tháp còn lại 8,2 m (đỉnh Tháp đã bị sập), cửa Tháp quay về hướng Tây. Toàn bộ ngôi Tháp được xây dựng bằng gạch, chúng được kết dính với nhau bằng một loại keo (có giả thuyết cho rằng keo này được làm từ thực vật).
Những lần khảo sát và thăm dò các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo và những tượng đồng – đặc biệt có tượng bốn mặt.
Nhưng lý thú hơn cả là lần khai quật gần đây nhất (3/2002) các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều tượng đồng đặc biệt quí hiếm, bên cạnh đó còn có những tấm ngói còn nguyên vẹn hoa văn. Mặc dù chưa công bố kết quả nhưng những bức tượng ấy các bạn khó tìm thấy ở đâu đó được cho dù trong những quyển sách nói về tượng cổ.
Di tích này đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa vào năm 1992 và dự án trùng tu, tôn tạo di tích này đã được bắt đầu thực hiện. Dự án ấy đã được mở đầu bằng cuộc khai quật đầu năm 2002 và sẽ kết thúc dự án bằng phòng trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến Tháp cổ này.