Sản vật mùa lũ giúp người dân miền Tây kiếm chục triệu

Mùa này, đi trên quốc lộ 62 đoạn từ Mộc Hóa, Kiến Tường ra biên giới Campuchia, hai bên đường người dân bày bán rất nhiều sản vật đặc trưng của mùa nước lũ Đồng Tháp Mười, như bông súng, bông sen, bông điên điển, ốc lác, cua đồng, khô cá lóc…

5b3812375d04_ldmh

rong đó có loại rau dân dã nhưng rất hấp dẫn là hẹ nước.
Từ xa xưa, ở vùng Đồng Tháp Mười cứ đến mùa nước lũ (dân địa phương gọi là nước lụt) thì hẹ bắt đầu mọc tự nhiên trên đồng ruộng và người dân cứ nhổ đem bán từ khi cây hẹ còn non (khoảng 10 cm) cho đến khi cây hẹ già (khoảng 80 cm) vì hẹ vượt theo con nước.
Hẹ là loại cây mọc dưới nước, ăn sống rất ngon: quấn lại, chấm với nước thịt kho hoặc mắm kho, ăn có vị ngọt, giòn.
ả ngày ngâm mình trong nước
Theo hướng dẫn của một người dân địa phương: “Anh chạy ngược lại, qua cầu 79, rẽ vào con đường bên phải chừng vài trăm thước, tới chỗ ruộng sen là nhìn thấy người ta đang nhổ hẹ”. Nói vậy nhưng chúng tôi đi hết con đường đất sình lầy dài chừng 2 cây số xuyên ra giữa cánh đồng vẫn không thấy hẹ, chỉ có biển nước mênh mông, trắng xóa.
Không còn đường để đi, chúng tôi vào căn nhà nằm cặp con kinh hỏi thăm thì biết có người đang nhổ hẹ ở giữa cánh đồng, cách đó gần 3 cây số, thuộc ấp 5, xã Tân Lập, H.Mộc Hóa (Long An).
Thuê một chiếc xuồng máy với giá 100.000 đồng chạy tới nơi thì thấy một nhóm vài chục người cả nam lẫn nữ đang trầm mình dưới ruộng nước ngập sâu tới cổ, trong cơn mưa lất phất, lạnh giá.
Mặt người nào da cũng sạm nắng, bên cạnh có 1, 2 hoặc 3, 4 cái thau lớn đựng hẹ được cột dây, buộc vào hông để khỏi bị nước cuốn trôi. Có người nói chuyện mà hai hàm răng đánh lập cập vì lạnh.
Đang hì hục dưới nước, nghe khách hỏi, ông Mạch Văn Mến (42 tuổi) ngước lên nói: “Nhà tôi cả hai vợ chồng cùng ra đồng từ sáng sớm. Mỗi ngày nhổ được chừng 120 kg, kiếm được hơn 800.000 đồng”. Ông Mến cho biết vợ chồng ông quê gốc ở H.Cai Lậy (Tiền Giang) lên đây lập nghiệp, nhưng từ năm nào thì không nhớ. Mặc dù nhà có ruộng đất nhưng mùa nước nổi năm nào vợ chồng ông cũng tranh thủ, chịu khó đi nhổ hẹ để kiếm thêm thu nhập, vì giăng câu, giăng lưới cũng không bằng.
Hỏi ông có bao nhiêu ruộng, ông trả lời: “Chỉ có một mẫu bảy (1,2 ha) hè”. Hỏi từ đầu vụ tới giờ vợ chồng nhổ hẹ kiếm được chừng bao nhiêu, ông thật thà: “Đâu chừng ba mươi mấy, bốn chục triệu”.
Người dân cho biết ở cánh đồng này hằng ngày có chừng 60 người đi nhổ hẹ mướn cho một thương lái tên là Tư Mo. Buổi sáng nhổ, trưa lặt, rửa, đến 4 – 5 giờ chiều thì bà Tư Mo đến cân, tính tiền giá 7.000 đồng/kg. Số lượng mỗi ngày từ 1.500 – 1.800 kg. Bà Tư Mo đem tiêu thụ ở đâu chẳng ai biết, nhưng giá người dân bán lẻ dọc theo QL62 hiện nay từ 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Công việc này bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, đến nay đã được 3 tháng, sắp hết thu hoạch được vì cây hẹ đã già.
“Ngày nào cũng vậy, từ 5 giờ sáng, cả xóm cùng rủ nhau ra đồng. Mỗi nhà một xuồng, ai không có xuồng thì quá giang người khác”, chị Hà, dân gốc ngoại thành Hà Nội vào lập nghiệp ở đây từ năm 1985, cho biết. Nhà chị cũng đi 2 người nhưng chồng chị không chịu nổi nước lạnh nên ngồi trên xuồng lặt, rửa hẹ, còn chị thì trầm mình xuống nước nhổ. Mỗi ngày chị nhổ được chừng 60 kg, được hơn 400.000 đồng.
Chị than: “Cực lắm. Ngày nào cũng đi sớm về khuya. Ra khỏi nhà từ lúc mặt trời chưa mọc, lúc về thì mặt trời đã lặn. Nhưng bù lại, cũng nhờ mùa nước nổi mà nhiều gia đình có thêm thu nhập kha khá để trang trải cho cuộc sống”.
Làm hẹ nghịch vụ
Nhưng nguồn hẹ “trời cho” giờ không đủ đáp ứng nhu cầu, nhất là những năm không có lũ như gần đây. Vậy là từ khoảng tháng 6 âm lịch, có những người không làm vụ lúa hè thu mà đầu tư làm hẹ “nghịch vụ” bằng cách bơm nước lên ruộng rồi thuê máy cày, xới, trục đất cho nhuyễn, tạo điều kiện cho hẹ mọc lên nhiều rồi bán lại cho thương lái. “Thường 1 ha đất nếu để hẹ mọc tự nhiên thì chỉ có thể bán được từ một vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Nhưng có những trường hợp đầu tư làm hẹ nghịch vụ thì bán được tới hơn 100 triệu đồng 1 ha”, một nông dân ngụ ấp 5 (xã Tân Lập, H.Mộc Hóa) cho biết.
Vào đầu mùa, khi mực nước còn cạn, thương lái thuê lao động địa phương nhổ hẹ tại ruộng với đơn giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi giảm dần theo con nước. Khi nước dâng cao, cây hẹ cũng vượt theo cho tới khi hẹ già, như hiện nay đơn giá chỉ còn 7.000 đồng/kg.
Như vậy, từ cây hẹ mọc tự nhiên, ai cũng có thể nhổ ăn hoặc đem bán kiếm thêm tiền. Bây giờ, cây hẹ ở vùng Đồng Tháp Mười tạo thêm thu nhập cho 3 đối tượng: các chủ ruộng, thương lái và cuối cùng là người lao động đi nhổ hẹ thuê, trong đó, chủ ruộng là người có thu nhập cao nhất.
Ông Phạm Văn Đế (46 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Lập) kể gia đình ông làm 12 ha ruộng nhưng chỉ làm 3 ha hẹ. “Vì tôi chỉ làm… chơi thôi nên sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu rồi mới làm, không có đầu tư nhiều, khi bán chỉ lời có 4.000 đồng/kg, thu tổng cộng được 26 triệu đồng. Trong khi tôi cho người bạn mượn 3 ha để “làm thiệt” thì anh ta bán được tới 150 triệu đồng”, ông Đế nói.
Sống ở địa phương từ nhỏ, làm 12 ha ruộng. Sau khi cưới vợ, ra riêng, cha mẹ cho 2 ha, vợ chồng ông Đế mua thêm 10 ha. Hỏi mỗi năm thu hoạch được bao nhiêu ngàn giạ lúa?
Ông nói tính giạ không được, chỉ biết vụ đông xuân ông làm được gần 100 tấn lúa, vụ hè thu khoảng 60 tấn. Nhà ông sạ lúa nàng hoa, cả hai vụ đông xuân và hè thu ông đều bán được giá 5.300 đồng/kg. Tính ra, chỉ riêng 2 vụ lúa, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 800 triệu đồng.

Hoàng Phương – Gia Bảo