Có ai về An Giang, miền đất tây nam Tổ quốc, nơi đầu nguồn dòng Cửu Long giang, nhớ ghé qua những làng Chăm hiền hòa, thân thiện. Nơi ấy có những thánh đường uy nghiêm, có những cô gái Chăm e thẹn bên khung cửi dệt lụa sớm hôm, có những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ hàng trăm năm tuổi, có những chàng trai Chăm quăng chài thả lưới… Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm miền Tây Nam Bộ.
Câu chuyện ở Phũm Soài
Người Chăm định cư sống quần tụ ở đất An Giang từ những ngày đầu chúa Nguyễn mở mang bờ cõi. Những làng Chăm nằm rải rác ở các huyện: Châu Thành, Châu Phú, An Phú và thị xã Tân Châu. Trong đó, An Phú và Tân Châu là hai địa phương có đông đồng bào Chăm nhất tỉnh An Giang. “Ngày trước, do cuộc sống khép kín cho nên hầu như những hủ tục lạc hậu tồn tại song hành khiến cuộc sống bà con hết sức vất vả. Con gái thì không được đến trường. Con trai thì quanh năm làm nghề chài lưới, buôn bán nhỏ nay đây mai đó hết sức bấp bênh. Hơn hai mươi năm nay, nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cuộc sống bà con đồng bào Chăm đổi thay nhiều”, ông Cả Musa Haji, Trưởng Ban đại diện cộng đồng dân tộc Chăm An Giang chia sẻ.
Qua phà Châu Giang là đến với hai làng Chăm có lịch sử lâu đời trong quá trình khai hoang, lập ấp của người Chăm An Giang là Phú Hiệp và Châu Phong. Miền tây những ngày này nắng đến cháy da, cháy thịt. Giữa cái nắng chói chang ấy, nghe văng vẳng bên tai tiếng đọc kinh Cô-ran vang vọng từ thánh đường Mu-ba-rak được công nhận di tích quốc gia với kiến trúc cổ nhất của các làng Chăm An Giang.
Do đặc điểm của miền Tây Nam Bộ, với mùa nước nổi hằng năm nên người Chăm An Giang cũng như người Kinh đều sống trên những ngôi nhà sàn cao hơn mặt đất đến vài mét. Những ngôi nhà sàn san sát nhau có từ hàng trăm năm, được bà con nơi đây giữ gìn, bảo quản tốt nên vẫn còn nguyên những nét cổ kính. Dẫn tôi thăm làng, anh Abu Bai-cơ ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu giải thích, nhà được dựng hai ba lớp sau phần nhà chính, khi con cái lập gia đình ra ở riêng. Bà con sống thân thiện, chuyện lớn nhỏ trong nhà đều được ông Cả, những cụ lớn tuổi đứng ra hòa giải nên không có chuyện cãi vã, đánh nhau. Còn chuyện cơm gạo cũng vậy, người nhiều san sẻ cho người ít, cái bụng no thì mới làm việc tốt được.
Chủ tịch UBND xã Châu Phong Phạm Ðăng Thân cho biết, “Ðồng bào Chăm ở Châu Phong tập trung đông nhất ở Phũm Soài với hơn 1.100 hộ. Những năm gần đây, nhiều hộ đã biết trồng lúa nước, rau màu, đời sống đổi thay nhiều rồi. Một điểm khác mà chỉ có Châu Phong làm được là hình thành một cụm tuyến dân cư kiểu mẫu cho đồng bào Chăm với những dãy nhà sàn bằng gạch khang trang, hệ thống trường học từ mầm non đến trung học phổ thông cùng trạm y tế, tất cả đều đạt chuẩn quốc gia”.
Gặp gia đình anh Ahmach, một trong những gia đình văn hóa kiểu mẫu của xã. Anh tươi cười cho biết: “Mới đi ruộng về, thu hoạch xong vụ đông xuân này sắm thêm chiếc xe nữa cho con gái lớn đi làm đỡ cực (con gái lớn Rô-phi-á công tác tại Ðài Truyền thanh thị xã Tân Châu). Từ khi vào đây mới có cuộc sống tốt vầy chứ trước kia làm sao có được, cũng nhờ Chủ tịch Thân cùng ông Cả đi vận động, gia đình tui vô ở thấy sướng nên rủ thêm anh em, bà con vô. Ðến giờ cả dòng họ có đến hơn ba mươi hộ đều vô đây cất nhà ở hết”. Giờ đây, làng Chăm Châu Phong, số hộ Chăm nghèo chỉ khoảng 20 hộ/263 hộ. 100% số trẻ em được đến trường từ mẫu giáo đến THPT. Bậc đại học chỉ riêng Phũm Soài đã có 44 sinh viên, có người đang học thạc sĩ…, tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho cộng đồng người Chăm nơi đây.
Sức sống mới trên những làng Chăm
Chia tay Phũm Soài, chúng tôi về Búng Bình Thiên, nơi có nhiều xóm Chăm nhất tỉnh. Những xóm Chăm nhỏ thuộc ba xã Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình (huyện An Phú, An Giang) sống chan hòa với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Búng Bình Thiên là hồ nước thiên nhiên, trước kia là một lạch nhỏ từ sông Hậu đổ vào. Thế nhưng, Búng (hồ nước) lại có đặc điểm lạ kỳ là dẫu nước ngoài sông Hậu có đục cỡ nào, cuồn cuộn cỡ nào thì vào Búng lại trong veo, bình lặng. Do vậy mới có tên Búng Bình Thiên. Thăm ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội (An Phú), mới thấy đời sống của người dân khởi sắc hơn trước rất nhiều. Ông Mách Sa Lếs, Phó Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Masjid Al Khai Ryah, thành viên Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết, địa phương có hai xóm Chăm, với 440 hộ, hơn 1.900 nhân khẩu. Người dân nơi đây rất năng động, vừa mua bán nhỏ lẻ, vừa làm ruộng, còn chịu khó đi làm ăn ở Bình Dương, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… Trẻ em ở đây đều được đến lớp, văn hóa phát triển, kéo theo đời sống tốt hơn. “Trước đây, trong ấp chỉ có một vài người học đến lớp 8, lớp 9, biết được tiếng phổ thông thì giờ đây hầu như trẻ em đến tuổi đi học đều được cha mẹ cho đến trường. Ngoài ra, sau buổi học chính trên lớp, các em còn tụ họp tại thánh đường để học thêm tiếng Chăm. Tùy theo khả năng tiếp nhận và kinh tế gia đình, Giáo cả luôn khuyến khích con em nỗ lực học tập để phục vụ tốt cho quê hương, chăm lo phát triển đời sống đồng bào dân tộc. Thanh niên cũng được hướng nghiệp tốt, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp như thêu rua, dệt vải, may quần áo…”, ông Mách Sa Lếs hồ hởi khoe.
Chia tay những làng Chăm, những cô gái Chăm e ấp bên chiếc khăn Mắc-ta-ra, vị ngọt bùi ngây ngây mùi khói của đặc sản tung-lò-mò, những khung cửi lách cách dệt nên những mảnh vải thổ cẩm đẹp diệu kỳ… Và tôi tự hứa với mình, khi có dịp sẽ về thăm lại những làng Chăm.