Đồng bào Khmer ở Trà Vinh đón Tết Chôl Chnăm Thmây

Chôl Chnăm Thmây là Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, mang ý nghĩa đón mừng năm mới, chấm dứt thời kỳ nắng hạn để chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Đồng bào Khmer tại Sóc Trăng đến cúng chùa ngày Tết Chôl Chnăm Thmây. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Theo lịch Khmer, Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào giữa tháng Tư dương lịch (tháng Ba âm lịch) và không có ngày cố định. Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức trong ba ngày, từ 14 đến 16/4.

Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ của mỗi nhà đều bày cỗ, gồm 5 nhánh hoa, 5 chiếc đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại hoa quả. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu, ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba vái để tiễn đưa Têvôđa cũ và rước Têvôđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvôđa là vị thần được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời hạn một năm, hết thời gian này sẽ có vị thần khác xuống thay thế.

Ông Thạch Chân, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết theo quan niệm của người Khmer, trong thời gian diễn ra Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer phải tập trung tại chùa tế lễ liên tục trong ba ngày, trong đó, ngày thứ ba là ngày quan trọng nhất vì ngày này được xem như là ngày trả nợ, trả lễ, báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, Phật… Nếu ai vắng mặt vào ngày này sẽ bị coi như chưa đi chùa, chưa hành lễ báo hiếu cho tổ tiên, chưa xóa bỏ nợ nần.

Buổi sáng ngày thứ nhất, mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn, lễ vật đến chùa. Dưới sự điều hành của vị Acha (người có uy tín, hiểu biết lễ nghi… trong phum sóc), mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện chùa 3 lần để làm lễ chào mừng năm mới.

Ngày thứ hai, các gia đình trong phum sóc vào chùa dâng cơm cho các vị sư sãi. Trước khi ăn, các sư sãi tụng kinh làm lễ tạ ơn những người làm ra các sản vật mang đến cúng chùa. Đến chiều, tại khuôn viên chùa, theo hướng dẫn của các vị Acha, bà con Phật tử Khmer trong phum sóc tiến hành “đắp núi cát” để cầu mong mọi điều lành đến với họ trong năm mới.

Ngày thứ ba là ngày lễ cuối cùng, sau khi làm lễ dâng cơm cho các vị sư ở chùa, các Phật tử tiến hành lễ tắm tượng Phật ở chùa bằng nước có ướp hương thơm và tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, nhằm rửa sạch hết cái cũ để bước sang năm mới. Sau đó, các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong linh hồn những người đã mất được siêu thoát. Đến trưa, mọi người trở về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ cúng tại nhà và dâng bánh trái, chúc mừng, tạ ơn ông bà, cha mẹ.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương của tỉnh Trà Vinh tổ chức họp mặt, thăm viếng, tặng quà các gia đình chính sách, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng là người dân tộc Khmer và sư sãi các chùa. Tỉnh cũng rà soát số hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ các gia đình có điều kiện đón Tết cổ truyền thật sự ấm no, hạnh phúc.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các chùa Khmer tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí theo bản sắc văn hóa dân tộc như tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian. Đài Phát thanh và Truyền hình có chương trình đặc biệt phục vụ đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền./.

Nguồn: internet