Nghề rèn

Dân gian thường quan niệm: một con người muốn đi đến thành công, tất phải được “trui, rèn”. Đó là một cách ví von, so sánh giữa đào tạo con người với việc tôi, luyện sắt, thép để trở thành công cụ hữu ích. Bởi phải vừa chịu “trên đe dưới búa; vừa bị dầm mình trong lửa đỏ dưới nhiệt độ khắc nghiệt.

Lò “rèn người” chính là cuộc đời, được dịch chuyển từ cái lò rèn sắt  dân gian. Sự suy diễn trên cho thấy môi trường lò rèn quan trọng đến dường nào, khi nó sản sinh ra biết bao công cụ phục vụ cho sản xuất và đời sống, tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử.

Sự hình thành lò rèn ở Hậu Giang

Có thể nói, lò rèn có mặt ngay từ buổi đầu cha, ông ta đến đây lập nghiệp. Khi xóm, ấp hình thành cũng đồng thời với sự ra đời của các lò rèn. Tiếng đập búa xuống đe đinh tai chát óc, những âm thanh hù hù ở miệng lò khi thổi lửa… đã trở thành quen thuộc với mọi người. Thật vậy, nếu không có hoạt động của các lò rèn ấy, thì nhà nông gần như bị “cụt tay”. Vì đây là nơi sản xuất, cung ứng biết bao công cụ cho để góp phần làm ra hạt lúa, củ khoai kể cả đồ dùng sinh hoạt gia đình.

Qua tra cứu tư liệu, đến đầu thế kỷ thứ XX nghề rèn trên vùng đất Hậu Giang ngày xưa đã thịnh hành, đội ngũ thợ rèn khá vững tay nghề. Các sản phẩm được chế tác phù hợp với vùng đất mới, điều kiện đất đai, cây, cỏ qua một số công cụ chủ yếu:

– Chiếc phảng phát cỏ, là một công cụ chặt bỏ cỏ hoang, năng suất rất cao. Một người có thể phát hơn 1 công (1000m2) trong ngày. Đây là sáng tạo độc đáo, thông minh của người thợ rèn thời mở đất, giúp cho việc dọn sạch đất để cấy lúa. Phụ họa với cây phảng là chiếc cù nèo cong bằng sắt dùng cào cỏ, khi lưỡi phảng vừa phát qua.

– Lưỡi cày: công cụ hàng đầu của nhà nông để cày vở đất, lưỡi cày miền Hậu Giang được rèn để cày đôi (2 con trâu cùng cày), thích nghi với đồng ruộng mênh mông, cò bay thẳng cánh.

– Rựa: loại công cụ “nửa dao nửa búa” dùng chặt cây, cỏ rậm cứng trên đất rừng, vườn tạp. Đôi khi rựa được dùng như loại vũ khí chống lại thú dữ hoặc giặt, cướp khi có biến.
– Búa: công cụ chặt đốn cây to, cũng là loại đồ nghề chính của thợ mộc trong việc đóng ghe, xuồng, cất nhà…

– Lưỡi hái (lưỡi liềm): công cụ cắt lúa, khi thu hoạch.

– Chỉa: loại cây sắt, rèn nhọn nhà nông thường dùng để đâm chuột, chỉa cá.

Ngoài ra còn biết bao dụng cụ sinh hoạt gia đình khác như các loại dao phay, dao dâu, kềm, lưỡi cưa, lưỡi bào, .v..v..

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều lò rèn vùng giải phóng làm nhiệm vụ trui rèn vũ khí tự chế cho lực lượng cách mạng như giáo nhọn, mã tấu, gươm:

Nốp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng?

(ca khúc “Nam Bộ kháng chiến”)

Sau ngày giải phóng, khắp nơi, khôi phục sản xuất, khai hoang, phục hóa… thì các lò rèn được phát huy, ngày đêm làm ra các công cụ phục vụ nhà nông. Thời điểm năm 1978- 1985, nghề rèn rất thịnh hành tại vùng Hậu giang, mỗi huyện có từ 50- 60 lò rèn, mỗi xã từ 2 – 3 lò nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu.


Người thợ đang rèn công cụ 

Mấy nét về hoạt động lò rèn

Lò rèn thường là một mái nhà che tạm, thoáng rộng, tọa lạc ở vị trí đầu mối giao thông, ngay ngã ba, ngã tư sông, lộ hoặc sát bên chợ, phố nhằm tiện lợi cho người đặt hàng.

Ngày xưa, nhiều nơi lò rèn được dựng nên trước khi lập chợ.

Trong lò rèn bố trí những phương tiện chính: lò lửa nung, bếp thổi lửa, nơi để đặt đe, bàn gọt sắt và các dụng cụ đục (xì rô), lưỡi gọt, cưa bào và chỗ ngồi người thợ chính.

Mỗi lò rèn có từ 3 – 4 người, nhiệm vụ phân bổ: người thổi bể, người kẹp sắt và 2 người quai búa.

Khi lửa nung lên, sắt được đưa vào rèn. Khi đủ độ nóng người thợ sẽ lấy ra đặt lên đe dùng búa đập cho mỏng lại, hoặc dài ra rồi gọt dủa. Những âm thanh thổi lửa, tiếng búa đập hòa trong nhiệt độ lúc nào cũng nung nóng. Có thể thấy, một công cụ ra lò với biết bao công sức của người thợ, nhất là phải khéo tay trui, rèn cho sắc bén, giỏi tính toán tạo dáng công cụ mới đạt hiệu quả khi sử dụng.

Để làm ra được những ông cụ, những người thợ rèn phải trả qua nhiều công đoạn:

Trước hết phải mua, chọn nguyên liệu. Thời trước, người ta sử dụng sắt mới sản xuất. Về sau, họ mua sắt phế liệu về làm thành thỏi rồi chế tác thành nguyên liệu.

Cắt sắt là công cụ kế tiếp nhằm ước tính khối lượng, số lượng, kích cỡ công cụ. Từ đó, cắt ra để rèn.

Đốt lò rèn là khâu quan trọng, người thợ chính phải biết coi lửa nung, đến khi nào đủ độ nóng. Trước đây người ta dùng than đốt lò. Sau này, chuyển qua củi rồi than đá. Công cụ nung đủ nhiệt độ sẽ lấy ra, đưa lên đe dùng búa đập nhồi thường là 2 người đập; trước, sau khá nhịp nhàng cho đến khi tạo được hình dạng thô. Kế đó sẽ dùng dao gọt đàn, sửa chi tiết cho đến khi vừa ý, mới tra cán gỗ cho công cụ. Cuối cùng, người thợ sẽ đóng mộc riêng “nhãn hiệu” của lò. Thế là sản phẩm hoàn thành, chuyển giao cho khách hàng.

Khi đồng ruộng rền vang tiếng máy, phương thức sản xuất được cơ giới hóa cũng là lúc các lò rèn nghề rèn dần thu hẹp hoạt động. Song song đó, ngành công nghiệp chế tạo dụng cụ gia đình bằng sắt, được sản xuất hàng loạt theo công nghệ mới, có chất lượng mẫu mã lạ, nên người tiêu dùng không cần quan tâm tới việc đặt hàng ở lò rèn. Nếu cần, họ đến chợ chọn lựa mua sử dụng ngay.

Việc mất dần nghề rèn là điều không thể tránh, trong cuộc sống hiện đại- thế nhưng, bảo tồn giá trị văn hóa nghề nghiệp là điều cần hết sức quan tâm. Bởi, thợ rèn giờ đây chỉ còn đếm đầu ngón tay. Nghề rèn không mấy người học, sản phẩm làm ra từ lò rèn không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Dù sao, nghề rèn ở Hậu Giang cũng in đậm dấu ấn buổi đầu cha ông ta lập nghiệp, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, đời sống ở địa phương. Do đó, một dự án bảo tồn và phát huy nghề rèn ở Hậu Giang cần được xây dựng và triển khai, thực hiện càng sớm càng tốt.