Nghề rèn – Ngan Dừa

Nghề rèn xưa kia là một nghề xã hội rất tôn vinh, vì không phải ai cũng có thể làm được, câu ca dao xưa đã thể hiện lời này:

“ Một bên đèn sách văn chương

Một bên đe, búa em thương bên nào ?

Đèn sách em vứt xuống ao

Đe, búa em để võng đào em đưa…”

Cư dân Bạc Liêu nói đến nghề rèn thường gắn liền với câu thành ngữ “Dao Ngan Dừa”.

Theo nhiều thợ rèn ở Ngan Dừa kể lại : Dao Ngan Dừa từ lâu đã nổi tiếng bén ngót. Nghề rèn – Ngan Dừa đã có trên trăm năm.Hiện nay nhiều thợ rèn kỳ cựu ở Ngan Dừa vẫn chưa biết ai là tổ rèn của làng mình. Họ chỉ biết rằng ở địa phương có được nghề rèn là do trước đây có người phương Bắc lưu lạc về đây, sau đó truyền nghề lại.Để tưởng nhớ công ơn người đã cất công truyền nghề cho nên tại mỗi lò rèn ở đây đều lập 1 bàn thờ tổ và hàng năm cứ vào ngày khai lò 23/6 âm lịch là giới thợ rèn Ngan Dừa tổ chức giỗ tổ của nghề mình.Do không biết rõ ai là tổ của làng rèn nên các thợ rèn – Ngan Dừa tín ngưỡng một vị thần với mong muốn thần sẽ phù hộ cho các nghệ nhân rèn và gia quyến luôn được tai qua nạn khỏi, làm ăn mai mắn, gia đình yên vui.

Theo lời những nghệ nhân rèn kỳ cựu ở đây kể lại: Nghề rèn cũng lắm công phu. Quy trình rèn phải qua biết bao công đoạn từ việc chọn lựa nguyên vật liệu, chuẩn bị nhiên liệu đến thổi bể khí, cặp sắt tôi, quai búa đập…Khi sản phẩm thành hình thì chuyển qua khâu gia công bào, gọt, làm chuôi, tra cán, lau chùi và cuối cùng là bàn giao sản phẩm cho người tiêu dùng. Thông thường 1 lò rèn truyền thống chỉ cần từ 4 – 5 người: 1 người bể, 1 người cặp, 2 – 3 ngươi quay búa (trong đó có búa trưởng).Thực tế những lò lớn người ta vẫn tăng cường, bổ sung nhiều nhân lực, nhất là trong khâu chuẩn bị vật liệu, gia công và bán hàng.

Nguyên vật liệu phải được thu mua, dự trữ từ trước.Trước đây nguyên liệu rất hiếm nhất là sắt thanh, khi chuẩn bị nguyên vật liệu để rèn, chủ lò phải tích cực đặt mua ở chợ hoặc sưu tầm trong dân gian. Khi muốn làm hàng lớn, chủ lò phải tôi sắt thành khối.Nhiên liệu để đốt lò cũng phải được chuẩn bị trước.Nhiên liệu chủ yếu là các loại than như than củi, than đước, than đá…Tuỳ theo chất lượng của mỗi loại mà có sự chế biến phù hợp để đạt yêu cầu về độ nhiệt, độ lửa, độ bền và dùng được lâu. Làng rèn – Ngan Dừa thường dùng than củi để đốt lò.Than củi muốn dùng lâu và tiết kiệm phải giả nhỏ, tưới nước.Trong quy trình rèn thì công đoạn bể cũng hết sức quan trọng.Thợ bể phải có sức khoẻ và kỹ thuật khéo léo dùng những động tác kéo đẩy để đưa không khí vào bể nhằm kịp thời cung cấp oxy cho lò. Trước kia người ta thường dùng bể đứng, người thổi bể phải đứng hoặc ngồi trên ghế cao để kéo hơi cung cấp cho lò. Thời gian gần đây, người ta cải tiến bể ống đứng thành bể quay rồi dần dần trang bị mô tô điện có van chỉnh để cho người thổi bể đỡ phần vất vã và tránh được hơi khói từ bể toả ra.Tiếp theo quy trình rèn là công đoạn cặp. Cặp là giai đoạn tôi luyện, gia cố, định hình các thỏi sắt. Động tác cặp, đập búa rồi cuối cùng tôi nước là những thao tác lập đi lặp lại nhiều lần đến khi thỏi sắt được định hình. Người cặp đòi hỏi phải có chuyên môn cao, nhìn lửa biết non, già, biết khi nào dồn lửa và dừng lửa.Trong dân gian có câu thành ngữ: “Gần lửa rát mặt” là để chỉ người thợ cặp này.Vì tính chất quan trọng của công đoạn cặp nên công việc này thường là do chủ lò đảm trách.Công đoạn đập búa tuy là công việc phụ nhưng không kém phần nặng nhọc.Việc cầm búa đập trúng thỏi sắt đã khó, việc đập búa cho đúng đường, đúng đích lại càng khó hơn. Nếu người cặp chỉ có 1 thì người quay búa phải có từ 2-3 người, trong đó có 1 búa trưởng chỉ huy.Tuỳ theo nhát búa của Búa trưởng mà những người đập buá còn lại phải đập theo nhịp mạnh nhẹ hay nhanh chậm.Khi người cặp đặt sắt ở mép đe nào thì người đập búa phải đánh vào chỗ ấy.

Nghề rèn trông rất công phu như thế nhưng công cụ làm nghề thì rất đơn giản.Nếu so sánh với các nghề truyền thống khác thì dụng cụ nghề rèn ít ỏi hơn nhiều, chỉ có cái đe, vài cây búa (búa cái nẻ, búa đánh quay, búa đánh tay), cái cặp và cái bễ…vậy mà một thỏi sắt khi qua tay nghệ nhân bổng chốc trở thành công cụ lao động, hay phương tiện sinh hoạt tiện nghi không thể thiếu trong cuộc sống con người. Sản phẩm nghề rèn Bạc Liêu cũng khá đa dạng như cuốc, cào, dao, búa, dá, liềm, hái, phản, cày, bừa…Chỉ bằng bàn tay và đôi mắt cộng với những kinh nghiệm dầy lên theo tuổi tác thì người thợ rèn ở đây đã nhanh chóng xác định được độ chín sản phẩm của mình.Mỗi một sản phẩm được tạo ra đều đạt được những giá trị về độ sắc, độ bền và độ dẽo dai rất thích hợp với các công việc lao động cũng như tâm lý của người tiêu dùng.

Hiện nay, nghề rèn Bạc Liêu cũng lắm nỗi truân chuyên và đang bị mai một dần. Nhiều thợ rèn phải bỏ làng nghề ra đi và cũng không ít người phải đi tìm phương kế sinh nhai mới. Khi tìm hiểu nguyên nhân, nhiều thợ rèn đều bày tỏ bức xúc của mình.Tất cả đều rất yêu nghề,nhưng trước áp lực của cuộc sống hiện đại và sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường, hầu hết các mặt hàng của nghề rèn thủ công này đều không thể cạnh tranh nổi với những sản phẩm kim khí chất lượng cao do công nghệ mới làm ra.

Mặt khác các hộ kinh doanh nghề rèn ở địa phương hầu hết là tự phát, quy mô nhỏ, manh mún, quy trình công nghệ lạc hậu, không chủ động được đầu vào và đầu ra…do đó nghề rèn – Ngan Dừa đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền là vấn đề có thể dự báo trước.Ông Tư Hây, một thợ rèn kỳ cựu ở Ngan Dừa không dấu được nỗi niềm trước viễn cảnh nghề của mình đang dần dần bị mai một. Ông bảo rằng mình bước vào nghề rèn từ lúc chưa đầy 10 tuổi, gia đình 5 đời nối nghiệp cha ông. Năm nay Ông đã 70 tuổi nhưng vẫn còn rất khoẻ và dù hoàn cảnh có đổi thay, điều kiện làm nghề ngày càng bất lợi nhưng hàng ngày Ông vẫn hiên hữu là một nghệ nhân kỳ cựu của làng nghề rèn – Ngan Dừa. Ông mong muốn rằng những đốm lửa hồng tại lò rèn của mình sẽ rực sáng mãi để tiếp tục giữ lại cái nghề thiêng liêng của gia tộc. Nghề rèn – Ngan Dừa ngày nay đã thực sự là một nghề thủ công truyền thống quý báu của dân tộc. Việc giữ gìn, phát huy làng nghề không những là trách nhiệm của riêng các nghệ nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy để bảo vệ và phát huy giá trị của làng nghề, công nhận làng nghề..UBND tỉnh cũng đã thực thi nhiều cơ chế chính sách để phát triển làng nghề, xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động đặc biệt đối với người dân ở khu vực nông thôn.Dù nguy cơ nghề rèn – Ngan Dừa thất truyền là điều có thể, Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều biện pháp dù rất khó khăn để giữ lửa cho làng nghề, lò rèn 5 thế hệ của gia đình nghệ nhân Quách Văn Hây mỗi ngày lửa cứ vẫn âm ỷ cháy. Đó phải chăng chính là sự minh chứng hết sức hùng hồn về sự tồn tại và phát triển của nghề rèn truyền thống ở Ngan Dừa đã biết tự vươn lên cùng với những đổi thay của đất nước.