Nghề săn chuột, rắn, ếch hoạt động quanh năm, tuy nhiên thời điểm nhộp nhịp là khi nước tràn đồng. Nghề này được xem là “cần câu cơm” cho những người ít đất, làm thuê.
Một chuyến đi săn
Nghề săn chuột (ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã có cách nay hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ lại phát triển rầm rộ như hiện tại. Ngày trước, “thợ săn” chỉ hơn chục người, nhưng mấy năm nay số lượng đã ngoài một trăm.
Chúng tôi tìm về đây và được “vua săn chuột” Nguyễn Văn Sửu (36 tuổi, ấp 4, xã Hòa Mỹ) chia sẻ: “Nghề săn chuột đồng chủ yếu hoạt động về đêm và diễn ra quanh năm, chỉ nghỉ khi trời sáng trăng, mưa, bão… Cái nghề này đòi hỏi người làm phải đi đồng xa hàng chục cây số”.
Đúng 17 giờ theo lời hẹn, tôi cùng anh Sửu đi xuồng máy đến một con kênh cây cối um tùm, xen lẫn dây giác, dây mơ (cách nơi xuất phát vài cây số). Tiếng máy tắt hẳn, anh Sửu đội đèn lên đầu rồi tiến ra mũi xuồng để quan sát. Đã yên vị trên ghế, tay anh vớt lấy chiếc dầm lướt nhẹ trên mặt nước mà không hề phát ra tiếng động. Tôi thắc mắc hỏi, anh Sửu bảo: “Chuột rất khôn nên nghe tiếng động sẽ chạy mất nên lúc bơi xuồng đừng để phát ra tiếng. Việc này cũng đơn giản lắm chỉ bơi vài lần sẽ có kinh nghiệm”.
Thế là xuồng anh lướt nhẹ trên mặt nước, đầu anh và chiếc đèn cứ đảo lia lịa vào 2 mé bờ kênh. Mặc dù con kênh có nơi rộng đến hơn chục mét, nhưng có chuột là anh nhận ra liền. Bơi được một đoạn, anh chậm lại, mũi xuồng được áp sát mé bờ, tay anh nhè nhẹ vớt lấy chiếc chĩa 2 mũi phóng vụt vào bãi cỏ, tiếng “éc éc” vang lên, không vội vàng bắt chuột mà anh lại rút thêm cây chĩa thứ hai tung thêm lần nữa rồi mới thu “chiến lợi phẩm”.
Phát hiện một chú chuột chạy vào hang ẩn nấp, anh dùng miệng phát ra tiếng kêu “éc éc” không khác gì chuột. Cuối cùng con chuột tinh ranh cũng không thoát khỏi trình độ dẫn dụ của anh.
Vừa bơi xuồng anh vừa nói: “Chuột cách xa nhưng vẫn thấy được, vì nhìn chuột không phải cả cơ thể nó mà chỉ cần nhìn qua ánh mắt. Bởi, khi sọi đèn, mắt chuột phát sáng nên xa hơn chục mét vẫn thấy. Kêu bằng miệng như chuột con kêu cứu là chuột mẹ tự động chui ra khỏi hang hay bụi rậm…”
Cuộc săn diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau và làm cho tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bởi đi săn không chỉ bắt được chuột mà còn có thêm rắn, ếch, chim… Mỗi loại sẽ dùng một loại chĩa chuyên dụng. Chẳng hạn, ếch thì dùng chỉa 3 mũi để không bị chết, còn chuột dùng chỉa 2 mũi có ngạch. Với những thợ săn chuyên nghiệp, họ không chỉ bắt chuột chạy theo kênh mà còn đi săn trong gốc cây lỏm chỏm, kể cả leo lên ngọn.
Đi săn một hồi thấm mệt, chúng tôi ghé vào bờ nghỉ ngơi cùng nhóm thợ săn khác. Sẵn tiện tôi hỏi “lão thợ săn” tên Tâm thì được ông cho biết: “Ngày xưa, cắm câu không đủ sống, còn đi chích điện thì bị cấm nên đành bỏ nghề chuyển sang săn chuột. Từ phong trào, ai săn được 500 cái đuôi chuột phơi khô sẽ đổi được 1 cái bình xịt nên nghề săn chuột bắt đầu hình thành. Trước đây, chủ yếu đi bộ, nay chuyển sang chạy xuồng và làm nghề này đã hơn 30 năm”.
Dễ “kiếm cơm” hơn chút là nghề cắm câu ếch đồng vì không tốn nhiều chi phí cũng như chủ yếu bắt ếch và các loài rắn “hiền”. Theo lời hẹn, tôi cùng anh Nguyễn Văn Toàn (ấp 4, xã Hòa Mỹ) qua xã Hòa An để săn ếch. Đến đầu bờ, anh Toàn ngồi xuống bờ đất, một tay “thò” xuống ruộng móc cục đất rồi đắp lên bờ, anh dùng cái muỗng hớt miếng mồi lót lên bãi tô.
Tiếp đến, anh lấy chiếc cần câu móc mồi ốc cắm mạnh xuống bờ và để chiếc lưỡi trên mặt bãi đất đã có mồi lót. Cứ đi vài bước anh cắm cần tiếp theo. Vừa cắm câu, anh vừa nói: “Để dính nhiều ếch nên chọn những nơi bờ thấp, trống hoặc ít cỏ. Nên tô sình vì ếch rất thích đến những chỗ láng để ăn mồi. Một người cắm 100 – 200 cần câu là vừa. Khi cấm xong nếu mé bờ đó có cỏ thì làm trống đường cặp mé để khi ếch xuống vẫn có thể lên ăn mồi. Cắm sao ếch kéo dây vẫn còn nằm trên mô, vì dù cho khỏi bãi ếch vẫn ăn mồi”. Cứ thế, chúng tôi vượt qua đồng lúa để xuống nốt phần câu còn lại…
Nguy hiểm hơn là nghề săn rắn độc. Trước đây, nghề này diễn ra rầm rộ nên số lượng rắn cũng ít đi, nhưng đây là nghề nguy hiểm, luôn đối mặt với cái chết nên nhiều “thợ săn” đã bỏ nghề.
Tôi tìm gặp anh T.V. L. (Giồng Riềng, Kiên Giang) là một thợ săn rắn nổi tiếng miền Tây. Cùng ngồi trò chuyện, anh L. cho biết: “Trước đây, tình cờ gặp được một người anh làm nghề cắm câu rắn nên đi theo học nghề. Lúc đầu cũng sợ nhưng sau một bữa nhậu đã bạo gan làm liều.
Muốn làm nghề này phải bỏ ra 2 tháng để học. Trong thời gian đó, tôi được chỉ dạy cả về thuốc cắm câu, các loại thảo dược và những tình huống gặp phải trong công việc. Thời điểm săn bắt rắn diễn ra quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là mùa nước, rắn thường ra các bờ cao, bụi rậm phơi mình và đi ăn nên dễ dàng mắc câu”.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bắt các loài rắn, anh L., chia sẻ: “Để cắm câu thì người làm nghề phải phán đoán được nơi rắn ở, thường thả câu trên hướng gió để rắn bắt được mùi và đến ăn. Địa điểm phải rậm rạp, vắng vẻ do rắn chỉ ở nơi yên tĩnh. Tốt nhất là nơi có rắn lột da.
Tuy nhiên, những trường hợp đó phải thả cách xa 30 – 50 m. Vì rắn rất khôn không ở tại chỗ lột da”. Mồi cắm câu rắn hổ là chuột được trộn với thuốc Bắc. Thời điểm cắm thường bắt đầu vào sáng sớm. Câu sau khi được cắm phải che chắn bằng lá cây. Đến sáng hôm sau đi thăm và thêm một ngày nữa bắt đầu nhổ câu…
Mất mạng như chơi
Để có rắn, người thợ săn phải lội đồng xa hàng chục cây số mỗi ngày và đối mặt với nhiều hiểm nguy. Thợ săn L. bộc bạch: “Muốn có thu nhập đều từ nghề này phải chạy đồng khắp nơi như: Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và mỗi ngày phải lội bộ 40 – 50 cây số. Ngoài bắt được rắn hổ đất còn có thêm các loại hổ hành, hổ lãi, hổ hèo, rắn lục, lươn, mèo và thậm chí là cả chồn”.
Săn bắt rắn là nghề rủi ro cao, bởi chỉ sơ suất hay chậm vài giây sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Làm nghề này ít nhiều cũng bị “chạm” (cắn), ít nhất là 3 lần thử thách. Anh L., ngán ngẫm kể: “Bữa đầu tiên đi cắm bán được hơn 5 triệu. Đến ngày hôm sau, chỉ mới nhổ chưa được bao nhiêu câu đã bị rắn “chạm” nên đành dùng răng bẽ thẳng lưỡi câu rồi lễ bớt máu độc. Sau đó lấy thuốc mang theo mình đắp vào. Lập tức đến nhà dân hái thuốc đắp tiếp vào vết thương”.
Theo anh L., nghề này bạc bẽo lắm, vì chấp nhận làm nghề phải tự thân mình chữa trị nếu bị rắn “chạm”. Bởi nghề “thầy bà” này ai cũng có “tổ” có “tông” nên không ai trị cho ai. Vì nếu trị cho mình là họa họ gánh nên khi bị “chạm” chạy đến là họ luôn từ chối. Nếu muốn làm được nghề phải qua thử thách 3 lần.
Như lời anh L., “Nguy hiểm nhất là các trường hợp rắn theo cặp. Tức con cái dính câu còn con đực nằm cuộn tròn và đợi sẵn ở dấu chân, chờ đến khi nào mình tới là nó cắn liền. Mỗi năm, cắm câu anh cũng bắt được gần chục trường hợp rắn cặp như thế. Mấy người làm nghề chết nhiều cũng do vậy. Tuy nhiên, để không bị như thế, phải đạp nhẹ dấu chân ở đường đi vô cách cần câu 1 m, rắn sẽ nằm ở đó, mình thấy và bắt nó trước rồi mới gỡ con còn lại”.
Để giữ mạng, cánh “thợ săn” phải mang theo một lọ thuốc có tác dụng cầm cự mạng sống khi bị cắn, còn nếu muốn trị khỏi hẳn thì phải tìm thêm một số loài thảo dược khác để giải độc. Điều đặc biệt trong quá trình điều trị nọc độc là người bị cắn không được tiếp xúc với thuốc lá trong 24 giờ vì nếu hút đàm giữ ở cổ và nọc độc rút vào trong cơ thể dẫn đến tử vong, anh L. chia sẻ thêm.
Thu nhập hiệu quả
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ một khúc sông nhưng có nhiều điểm tỏa sáng ánh đèn. Đó là nơi các “thợ săn” ngồi lột chuột, người ít nhất cũng được 2 – 3 kg chuột, kèm theo đó là rắn, ếch, còn người nhiều lên đến 5 – 6 kg. Sau đó chuột được đưa lên chợ bán cho thương lái với giá từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, còn ếch có giá 40.000 – 70.000 đồng (tùy loại), rắn hổ hành, hổ lãi…được thu mua từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Mỗi lần, người ít nhất cũng kiếm được trên 200.000 đồng, có người lên đến hơn nửa triệu.
Ông Lê Hoàng Ba, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ cho biết: “Dân săn chuột tập trung chủ yếu ở ấp 4, 6, Tân Long với số lượng hàng chục người. Họ thường hoạt động từ 5 giờ chiều đến khoảng 3 giờ sáng, nhờ nghề săn chuột mà rất nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, hạn chế tình trạng chích điện nên nguồn thủy sản không bị hủy hoại. Kết thúc chuyến làm nghề, mỗi người có nguồn thu 300.000 – 500.000 đồng”.
Sáng hơn 5 giờ, anh L. mang cây mác nhọn hoắt trên mình rồi đi thăm câu. Đến đường câu cắm trên một bờ sậy có dây giác phủ đầy nhưng cả 2 cần đều không dính con nào. Qua cần thứ 3, nghĩ rằng cũng vậy nên anh L. sang nhổ câu mà bỏ lại túi lưới. Lần này, tôi thấy anh khom mình lấy ngón tay búng vào sợi dây câu, bỗng nghe tiếng: “Chắc chắn cần này dính được con “đen” (rắn hổ đất). Như vậy, hôm nay rắn đi ăn thế nào bên kia cũng dính thêm vài con nữa”. Ngay lập tức anh lấy cây mác cắt dây câu trong chớp nhoáng đã bỏ gọn con rắn hổ vào túi lưới.
Đến thăm những cần câu kế tiếp, anh L. kể: “Vùng này trước kia rắn dữ lắm, nhưng từ khi cái lung này bị phá nên rắn hổ đất tản đi khắp nơi nên mình phải đi cắm nhiều chỗ. Chứ trước khu vực này không đủ câu mà cắm và cứ 10 ngày là quay lại, lần nào cũng hốt bạc”.
Được biết, chi phí đầu tư đi cắm câu rắn của anh L. mỗi ngày khoảng 150.000 đồng. Rắn hổ đất trước khi bán thì được ép lấy nọc, vừa để người mua không bị cắn, vừa để làm thuốc. Tùy theo từng thời điểm mà giá mua rắn khác nhau. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 6 (âm lịch), rắn hổ đất loại nhất có giá 1 – 1,2 triệu đồng/kg, từ tháng 8 – 12 có mức giá từ 700.000 đến 900.000 đồng/kg.
Nhớ lại cảnh săn rắn của 10 năm trước, anh L tiết lộ: “Chỉ trong một bữa về Ngã Sáu (Châu Thành, Hậu Giang) mà tôi bắt được 15 con rắn to, nhiều nhất là rắn hổ đất nên thu nhập cũng gần 20 triệu đồng. Khi đến đó xung quanh toàn là da rắn mới lột mà chân không dám bước. Nếu tính hết các loài rắn tôi bắt được ở khu vực này không dưới 300 con. Tuy nhiên giờ mỗi ngày chỉ được 1 – 2 con nên nguồn thu từ vài trăm đến vài triệu đồng”.
Sau khi ăn xong cơm (19 giờ 30) anh Toàn đội đèn đi thăm câu. Đến cần đầu tiên đã dính được chú ếch, tôi thấy anh gỡ bỏ vào túi lưới, rồi cho thêm mồi lót, móc lại mồi và lội thăm tiếp. Cứ 2 – 3 cần lại dính 1 con ếch…và thăm hết 150 cần câu độ chừng khoảng hơn 3 kg.
Vừa mang chiếc túi đựng ếch về nhà, anh Toàn nói: “Làm nghề này có thu nhập ổn định nhưng cực khổ lắm, phải thức đêm thức hôm. Đến hơn 1 giờ sáng là phải đi cuốn câu để kịp bán cho các mối quen ở Ngã Bảy, Châu Thành, Vĩnh Long…. Buổi tối được vậy chắc sáng kiếm thêm được 2 – 3 ký nữa”.
Được biết, sau khi trừ hết chi phí một lần cắm câu, anh Toàn có nguồn thu nhập trên 300.000 đồng. Theo đó, ếch được cột lại ngang hong thành từng chùm 1,5 – 2 kg rồi đem ra chợ bán với giá 40.000 – 45.000 đồng/kg (loại nhỏ), 60.000 – 70.000 đồng/kg (loại 200 gram/con).