Miền Tây “khát” lũ: Chết mòn vì thủy điện trên sông Mê Kông

Những tác động tiêu cực của thủy điện trên dòng chính Mê Kông đến các nước hạ nguồn nói chung và Việt Nam nói riêng không còn là cảnh báo xa xôi.

Nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, ĐBSCL sẽ gánh trọn những biến động từ thượng nguồn. Các quốc gia có kế hoạch xây đập chỉ mới tính toán đến tác động đơn lẻ của từng đập mà chưa lượng giá hết tác động tích lũy và xuyên biên giới của chuỗi hệ thống đập trên sông Mê Kông.

Mùa nước nổi thành mùa khô!

ThS Nguyễn Hữu Thiện, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mê Kông, nhận định dự án Don Sahong không hề nhắc tới đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới. Đập Don Don Sahong thuộc huyện Khong, tỉnh Champasak (miền Nam Lào), cách biên giới Lào – Campuchia chưa đến 2 km. Với công suất thiết kế 260 MW, đập này nếu xây dựng sẽ tác động đến nguồn thủy sản của cả lưu vực.

lũ miền tây
Những căn nhà bị nước lũ vây quanh ở ĐBSCL như thế này giờ rất hiếm gặp. Ảnh chụp năm 2011 tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang (Ảnh: Thốt Nốt)

“Sản lượng cá nước ngọt của lưu vực sông Mê Kông khoảng 2,1 triệu tấn. Nếu đập Don Sahong xây dựng sẽ chặn dòng duy nhất mà cá di cư xuống lưu vực quanh năm. Nhiều loại sinh vật ở ĐBSCL như bông điên điển, cá phải chờ mùa nước nổi mới di cư, trổ bông, sinh sản. Nhưng với việc xây dựng các con đập trên dòng chính sông Mê Kông sẽ tạo nên sự thay đổi đột ngột: mùa nước nổi có thể biến thành mùa khô và ngược lại do các đập xả hoặc giữ nước lại” – ông Thiện nhận định.

Trong khi đó, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – ĐH Cần Thơ, phân tích 4 tác động chính nếu các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông được xây dựng, trong đó có đập Don Sahong. Thứ nhất, sẽ làm thay đổi dòng chảy, cả về số lượng lẫn chất lượng. Thứ hai, giảm lượng phù sa đến ĐBSCL; đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp của vùng. Thứ ba, ảnh hưởng đến các loài cá di cư. Thứ tư, sẽ làm thay đổi những đặc điểm sinh thái đối với các vùng đất ngập nước của ĐBSCL.

Mất mát không thể tính toán

Ủy ban sông Mê Kông từng thuê Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) thực hiện đánh giá môi trường chiến lược thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Khu vực sẽ bị tổn thất và chịu nhiều thiệt hại nhất là vùng Biển Hồ – Campuchia và ĐBSCL – Việt Nam.

Một số tác động tiêu cực ban đầu dễ nhận thấy đối với ĐBSCL là lượng thủy sản hằng năm giảm từ 220.000-440.000 tấn. Nếu tính theo giá thị trường khoảng 2.500 USD/tấn thì tổn thất lên đến 500 triệu USD đến 1 tỉ USD mỗi năm. Tổng lượng phù sa sông Mê Kông cung cấp cho ĐBSCL khoảng 160-165 triệu tấn/năm. Nếu 12 con đập được đồng loạt xây dựng, lượng phù sa sẽ giảm 25% (khoảng 42 triệu tấn/năm), đồng thời giảm cung cấp dinh dưỡng cho nông nghiệp và hệ sinh thái, làm suy thoái đất…

ĐBSCL được hình thành từ nước và phù sa sông Mê Kông. Vì thế, các biến động này không chỉ gây khó khăn cho nền kinh tế mà sẽ quyết định đến sự tồn vong của đồng bằng trù phú nhất nước ta. Ngoài ra, các đập này đều là đập dâng nên không có khả năng cắt lũ, đặt ĐBSCL vào tình thế lũ chồng lũ, ngược lại làm kiệt thêm dòng chảy vào mùa khô khiến mặn xâm nhập sâu, ảnh hưởng đến nền nông nghiệp.

Nghiêm trọng hơn, phần lớn sinh kế của người dân ĐBSCL phụ thuộc vào nông nghiệp nên sẽ khó tìm được phương án chuyển đổi nghề phù hợp tại chỗ, tất yếu tạo nên những làn sóng di cư đến các tỉnh, thành khác và rất khó kiểm soát. Những tổn thất này không có biện pháp giảm thiểu hay bù đắp.

Ngoài ra, theo ICEM, không chỉ tác động đến ĐBSCL, việc phát triển 12 thủy điện trên dòng chính Mê Kông sẽ đẩy cuộc sống của 70 triệu dân trong lưu vực lâm vào cảnh khó khăn, gây tác động tiêu cực lớn đến ngành thủy sản, nông nghiệp và hành lang đường dây tải điện.

Trên dòng sông Mê Kông có 19 dự án đập thủy điện trải dài từ Trung Quốc đến Campuchia. Tại thượng nguồn, Trung Quốc đã xây dựng 4 đập; trên dòng chính sông Mê Kông, Lào đã xây dựng đập Xayabury vào tháng 11-2012. Sắp tới có thể có thêm Don Sahong.

 

 

 

Các dự án này không thể giúp xóa đói giảm nghèo, ngược lại còn làm gia tăng sự mất cân bằng phát triển kinh tế – xã hội ở các nước, nhất là đối với người nghèo ở khu vực vùng nông thôn và thành thị ven sông. Các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới cũng đang lo lắng trước nguy cơ 5 cá thể cá heo nước ngọt Irrawaddy cuối cùng tại vùng nước sâu ở biên giới Lào – Campuchia có thể bị tuyệt chủng. Cho đến nay, vẫn chưa có trả lời thỏa đáng nào cho những quan ngại nói trên, đặc biệt là chưa có báo cáo nghiên cứu khoa học nào từ chính phủ Lào hay nhà đầu tư chứng minh đập thủy điện dòng chính sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái lưu vực sông Mê Kông.

Do đó, các nước thành viên Ủy ban sông Mê Kông đề nghị Lào và Campuchia tạm hoãn việc đầu tư dự án thủy điện trong vòng 10 năm để có những đánh giá thấu đáo hơn. Năm 2012, với sự hỗ trợ của Ủy ban sông Mê Kông cũng như nhiều tổ chức quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã khởi động dự án nghiên cứu về tác động 12 thủy điện trên dòng chính đối với 13 tỉnh, thành ĐBSCL và khu vực Biển Hồ. Nghiên cứu này có thêm phần điều tra khảo sát thu thập dữ liệu bổ sung và thông tin nhằm xây dựng cơ sở bằng chứng khoa học phù hợp phục vụ cho quá trình ra quyết định xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2015.