Hậu Giang là vùng đất có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó, kênh xáng Xà No được xem là có vị thế vô cùng quan trọng về mặt địa lý. Chính từ ý nghĩa đó mà khi dự án xây dựng kè Xà No dọc theo tuyến kinh được triển khai, công trình đã trở thành điểm nhấn chiến lược của vùng đất Hậu Giang.
Ảnh: Lý Anh Lam
Kè Xà No có chiều dài gần 30 km, được chia 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2009; còn giai đoạn 2 dài hơn 18km đang được triển khai thi công. Mục đích chính của công trình là nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở nhưng bên cạnh đó là chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại hệ thống dân cư; hình thành trên tuyến kè khu vui chơi giải trí – một phố đi bộ xanh sạch để phát triển du lịch và cuối cùng là hạn chế việc xây cất nhà trái phép dọc tuyến kênh. Khi dự án được triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ người dân. Hàng trăm hộ gia đình đã tự nguyện di dời nhà cửa, chuyển đổi ngành nghề vì mục đích chung là xây dựng một công trình mang tầm cỡ và ý nghĩa lâu dài. Giờ đây, mỗi khi có dịp men theo bờ kênh xáng Xà No, thay cho những ngôi nhà lụp xụp trước kia là tuyến kè kiên cố bằng bê-tông, bên trên phần kè là công viên lát gạch vỉa hè với hệ thống cây xanh và một vườn tượng điêu khắc nghệ thuật. Giá trị đã được nâng lên gấp đôi khi công trình được tỉnh chọn là biểu tượng của Hậu Giang chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Qua đó cũng khẳng định vai trò thiết thực nối kết quá khứ với hiện tại của kênh xáng Xà No – một thủy lộ huyết mạch và là “con đường lúa gạo miền Hậu Giang”.
Qua 10 năm, cùng với kè Xà No, tại thị xã Ngã Bảy, nhiều công trình nối tiếp với mục đích chống sạt lở đã được đưa vào sử dụng, trong đó dự án bờ kè đường Trần Hưng Đạo – Lê Lợi đã chính thức khánh thành hồi cuối tháng 8 vừa qua đã chấm dứt tình trạng sạt lở nguy hiểm kéo dài trong nhiều năm. Công trình có chiều dài trên 470m, với tổng kinh phí thực hiện 115 tỉ đồng, kể cả một số công trình hạ tầng kỹ thuật sau kè như: đường giao thông thảm nhựa nóng rộng 5,5m, vỉa hè hai bên, hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng, lan can… Dự án hoàn thành không chỉ bảo vệ tài sản, tính mạng cho hàng chục hộ dân sinh sống trong khu dân cư phía sau kè, dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo – Lê Lợi, còn tạo điểm nhấn kiến trúc cho đô thị sông nước Ngã Bảy. Đối với người dân đây là công trình có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Ngã Bảy cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2015.
Ngoài các tuyến kè, đê chống sạt lở, để đảm bảo điều kiện sống của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ, tỉnh cũng chủ động và tập trung thực hiện chương trình xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Theo đánh giá, khi triển khai chương trình khá bài bản, phù hợp với điều kiện thực tế ở Hậu Giang. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và cơ bản hoàn thành ở 10 cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Trong đó, việc xây dựng nhà ở, tỉnh đã có nhiều cách làm hay, huy động được sự ủng hộ, giúp đỡ của xã hội. Với kết quả trên, mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến cuối năm 2013 là hoàn thành 100% công tác bình xét, giao nền phải đạt từ 90% trở lên, xây dựng nhà ở cho dân đạt từ 70% trở lên. Các công trình này đã khẳng định mục đích mà tỉnh hướng đến cuối cùng vẫn xuất phát từ lợi ích của người dân.