Ngày 3/9/1969 toàn thể nhân dân Việt Nam bị bao trùm trong buồn đau không kìm được nước mắt vì nhận được tin vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh đã từ trần. Hồ Chủ tịch mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ trên Thế giới.
Để tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc Người, sau tang lễ Huyện ủy huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Sóc Trăng (Nay là Huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã chỉ đạo và phát động nhân dân trong toàn huyện xây dựng Đền thờ Bác. Địa điểm xây dựng ở ấp Bà Chăng A – Xã Châu Thới – Huyện Vĩnh Lợi.
Tháng 3 năm 1970 Xã ủy Châu Thới thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Lợi tiến hành xây dựng Đền thờ Bác. Mặc dù bị địch đốt phá hai lần nhưng nhân dân cũng như Xã ủy Châu Thới và Huyện ủy Vĩnh Lợi vẫn quyết tâm xây dựng bằng được Đền thờ Bác và lần này quyết không để địch phá hoại. Xã ủy Châu Thới lập ra ban xây dựng và ban bảo vệ trong lúc xây dựng và sau khi xây xong, lần này xây dựng kiên cố bằng xi măng, cốt sắt.
Công việc mua vật liệu để xây dựng gặp nhiều khó khăn do phải đi qua nhiều đồn bót của địch, nhưng với tấm lòng yêu thương Bác nhân dân xã Châu Thới xung phong đi mua vật liệu, mỗi người mua một ít, mua làm nhiều lần. Khi đã chuẩn bị xong, lúc 10 giờ sáng ngày 25/4/1972 Xã ủy Châu Thới đã làm Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác. Sau 24 ngày đêm không ngại đạn pháo của địch, nhân dân và Xã ủy Châu Thới đã hoàn thành việc xây dựng Đền thờ.
Sáng ngày 19/5/1972 (ngay ngày sinh nhật Bác) Lễ khánh thành Đền thờ Bác được tiến hành trong niềm hân hoan và trang nghiêm của trên một ngàn người trong Xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi.
Từ lúc xây dựng xong cho đến ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) Đền thờ Bác luôn là mục tiêu bắn phá của Địch. Mặc dù địch dùng những phương tiện và vũ khí hiện đại mở nhiều đợt tấn công đánh phá Đền thờ, nhưng lần nào chúng cũng nếm mùi thất bại trước tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân xã Châu Thới, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để cho Đền thờ không bị vết đạn nào tàn phá. Có những tiểu đoàn của địch bị tập kích đánh úp khi chúng có ý định tấn công Đền thờ Bác.
Đến với di tích này bạn sẽ thấy được tinh thần anh dũng và sự mưu trí của quân dân Châu Thới, cũng như nhân dân Bạc Liêu nói chung thông qua những hiện vật được trưng bày tại di tích, bạn sẽ gặp được những chiến sĩ đã từng không tiếc sinh mạng mình để bảo vệ Đền thờ, và họ vẫn tiếp tục quãng đời còn lại của mình bảo vệ Đền thờ Bác.
Sau ngày giải phóng đến nay Đền thờ thường xuyên là địa điểm để tổ chức những hoạt động xã hội, là nơi họp mặt những ngày truyền thống. Năm 1998, Đền thờ Bác đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.