Hiện nay, cây quách chỉ trồng rải rác trong các phum sóc của người Khmer. Người dân Trà Vinh ưa trái quách mang về trồng, mỗi nhà chỉ vài cây quanh hè lấy bóng mát vá trái. Khách du lịch ngang qua Cầu Kè dễ dàng nhận diện cây quách đứng xen cùng các loại cây ăn trái bởi loại cây nầy thân to, tán rộng, được trồng thành hàng, đặc biệt những trái quách treo lủng lẳng trông như quả bóng nhựa, có nhiều hột nhỏ li ti trên thân màu xám.
Gần giống như trái dừa đã già, không cần nhọc công trèo lên thân cao hái, trái quách khi chín tự rụng xuống đất. Thịt trái quách được bao bọc bởi lớp vỏ cứng nên không dễ gì vỡ ra. Hằng năm cây cho cả trăm quả. Chủ vườn cứ ra gốc cây tha hồ mà nhặt lấy.
Quách mới rụng xuống (vừa chín tới) tuy đã thơm phưng phức nhưng thường người ta để dăm ba bữa, khi quách đã chín mùi, vỏ chuyển sang màu bạc trắng, mềm, cầm dao xẻ nhẹ đã thấy những hột nhỏ li ti sậm một màu tím. Dùng muỗng múc ruột quách cho vào ly, thêm đường, sữa cùng nước đá bào, ta sẽ có một thứ nước giải khát lạ miệng. Múc một muỗng quách cho vào miệng, mùi thơm phảng phất lên cánh mũi, vị chua thanh làm mặt lưỡi tê mê. Rồi vị ngọt của đường, vị béo của sữa thật là dễ chịu. Sảng khoái nhất là khi thưởng thức trái quách vào những trưa hè oi bức. Quách cũng có thể ăn non bằng cách đập, cạy lấy cơm chấm muối ớt. Quách non có vị chát chát, chua chua giống như ổi…
Ngoài ra quách còn có thể làm rượu, rượu quách không những thơm ngon, người uống nếu theo giờ giấc, liều lượng nhất định thì rượu không những là đặc sản mà còn là vị thuốc bổ, giúp con người ta cường gân cốt, bổ thận, nhuận tràng, dễ tiêu…