An Giang: Trái thốt nốt lên ngôi

Cây thốt nốt được xem là nguồn lợi chính của đồng bào Khmer ở các xã miền núi thuộc vùng Bảy Núi, với những loại sản phẩm quyến rũ du khách, như: Đường tán, đường keo, quạt và tranh làm từ lá, nước giải khát… Độc đáo hơn, trái thốt nốt có thể ăn liền tại quán hoặc mang về chế biến nhiều món ăn khác.

trái thốt nốt

Hàng nội không… đủ cung

Mùa nắng, đồng bào Khmer vùng Bảy Núi khai thác nước và nấu đường từ 6 đến 8 tháng. Nhắc đến thốt nốt, ai cũng liên tưởng những keo đường, tán đường thơm phức. Song, hỏi các loại sản phẩm khác, ít người biết vì chưa phổ biến, chẳng hạn như trái thốt nốt. “Trước đây, khách ngại dùng, mình bán hổng chạy. Thế nhưng, mọi người ăn uống quen rồi, nước và trái thốt nốt bắt đầu đắt hàng” – ông Chau Kunh (khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên) cho biết. Vào mùa vía Bà Chúa Xứ núi Sam, khi du khách đổ về chợ Cửa khẩu Tịnh Biên, hều hết đều thích thưởng thức loại đặc sản này. Trái thốt nốt to tròn, màu nâu, ruột có 3 múi trắng trong. Một ly nước để thêm 1 hoặc 2 múi, du khách thỏa thích giải khát giữa cái nắng chang chang. Ông Chau Kunh cho biết, nước phải cắt bông lấy theo mùa mới ngon, còn trái gần như quanh năm, hết đợt này tới đợt khác.

Khai thác nước để nấu đường từ cuối mùa mưa năm trước và đến đầu mùa mưa năm sau. Tỉ lệ đường cho thấp hoặc cao còn lệ thuộc vào thời tiết. Nhiều hộ trồng so sánh “hơn – thiệt” ngày mùa, vì thu nhập kinh tế gia đình nên xu hướng lấy nước và bán trái ngày càng phổ biến. “Nhà trồng 15 – 20 cây, chỉ cần lấy nước và trái bán sướng hơn, có đồng ra đồng vô quanh năm. Mình lợi nhiều hơn, khỏe hơn nấu nướng” – ông Chau Thanh (ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo) nhẩm tính. Du khách tham quan đi càng đông, nhu cầu thưởng thức trái thốt nốt hàng ngày ở các hàng quán càng lớn.

Sử dụng tới… hàng ngoại

Người trồng thốt nốt ở Bảy Núi thường bán sỉ cho các quán giải khát ven quốc lộ, tỉnh lộ và quanh khu du lịch. Trong khi đó, bước vào cao điểm “mùa hành hương”, những ngày nghỉ cuối tuần, ai nấy đều chuẩn bị những gì cần thiết phục vụ du khách. “Nước và trái thốt nốt thu hoạch cần có thời gian nhất định. Ở đâu có mà bán hoài cho đủ, năm này qua tháng nọ, do vậy, trái thốt nốt từ phía Takeo (Campuchia) được dịp đưa sang, họ vận chuyển bằng xe Honda, rồi tỏa đi các hàng quán theo nhu cầu đặt hàng” – ông Chau Sươne (sóc Hào Sển, xã Nhơn Hưng) tỏ ra am hiểu. Uông Huốt (dân Kirivong) khoe, mỗi ngày anh chở qua 2 cần xé với hàng trăm trái thốt nốt, rồi sau đó quay về bằng chuyến hàng nông sản của Tịnh Biên. Nhờ vậy, đường sá ngày càng quen thuộc, thu nhập khấm khá lên. “Hàng nông sản trao đổi hai chiều, qua lại biên giới Campuchia – Việt Nam thông thương. Kiểm soát cửa khẩu hai bên tạo điều kiện, hổng ai mần khó dễ gì” – anh Uông Huốt cười tươi. Giống như anh, nhiều bạn hàng Tịnh Biên – Kirivong vẫn đi qua lại bình thường, thuận mua vừa bán. Bởi lẽ, trái thốt nốt đất Takeo rất nhiều, nếu không đưa sang bên Tịnh Biên để bán, chỉ còn việc bỏ khô trên cây.

Cây thốt nốt trồng từ nhỏ tới khi thu hoạch cần thời gian khá dài, tuổi thọ cũng rất cao, tập trung nhiều nhất ở Nhơn Hưng, An Phú, Văn Giáo, An Cư (Tịnh Biên) và Ô Lâm, An Tức, Núi Tô (Tri Tôn). Song, do nhiều yếu tố tác động, loài cây này giảm dần, trong khi du khách đến ngày càng đông và nhu cầu thưởng thức sản phẩm đặc sản mỗi lúc lại tăng. Hiện nay, việc khai thác lấy trái thốt nốt trở nên phổ biến trên vùng Bảy Núi, nhất là đang vào “mùa hành hương” và du lịch tham quan nên trái thốt nốt được dịp lên ngôi, nguồn lợi đối với người trồng cũng nhanh hơn và nhiều hơn.

“Theo khảo sát của Hội Nông dân tỉnh, vùng Bảy Núi ước có trên 60.000 cây thốt nốt và khai thác khoảng 6.000 tấn đường. Hàng năm, sản lượng tăng 10% đến 15%, do cây tuổi thọ càng cao, trữ lượng nước nhiều và tỉ lệ đường nấu được cũng nhiều hơn”.

TRỌNG ÂN/Báo An Giang