Khi những cơn mưa đầu hạ vừa rơi những hạt đầu tiên trên từng chiếc lá non xanh, đó cũng là lúc trái trâm đang chín dần. Và rồi, không biết tự bao giờ, mỗi khi nhắc đến trâm người ta lại nghĩ ngay đến địa danh Tri Tôn – nơi được xem là xứ sở của loài cây tuy mộc mạc nhưng lại gắn bó với tuổi thơ của bao người.
Tưởng chừng ký ức về một thời trẻ nhỏ với cái lưỡi tím rịm vì ăn trâm chỉ còn là dĩ vãng. Khi những hình ảnh về giống cây ấy đang dần phai nhạt trong tâm trí thì Tri Tôn đã đánh thức chúng trong tôi. Không ngọt thanh tao như xoài, thơm ngào ngạt như thị, lại càng không to như dưa, nhưng đã thử một lần thì sẽ mãi không quên. Bởi chút hương ngọt hòa với tí vị chát kèm theo cái mặn và cay của muối ớt khiến nhiều người “cầm lòng không đặng”. Mùa trâm còn là thời điểm bà con kiếm thêm thu nhập, dù không nhiều nhưng cũng đủ cải thiện một phần kinh tế gia đình.
Lựa từng trái trâm trong xề, ông Trần Văn Be (ngụ ấp Tô Trung, xã Núi Tô, Tri Tôn) phấn khởi: “Thấy trái trâm nhỏ thế chứ chịu bán cũng hái ra tiền lắm! Hơn chục năm qua, mỗi khi vào mùa, tôi lại mua trâm của những người chủ vườn về bán lại. Với giá bán từ 30.000 đồng – 32.000 đồng/kg, tôi lời hơn 100.000 đồng/ngày. Do mới vào vụ, trâm chưa nhiều, tôi chỉ bán khoảng 7 – 10kg/ngày. Đến cao điểm, mỗi ngày tôi có thể bán 20 – 30kg”.
Ông Be còn có một gốc trâm to trước nhà, mùa nắng có thể che nắng cho bớt nóng. Nhưng quan trọng hơn là khi trái chín, ông bán đến hết mùa cũng kiếm thêm từ 2-3 triệu đồng. Vì mới vào mùa nên hễ lấy bao nhiêu trâm về thì bán hết liền trong ngày đó. Tuy nhiên, theo ông Be, khách rất thích ăn những trái trâm đen bóng da căng, còn những trái da hơi nhăn họ không bao giờ chịu mua (ăn không ngon). Bởi thế, trái trâm mà bị ẩm một chút là vợ chồng ông liền trải ra phơi gió cho trái khô và giữ được độ căng tròn. “Giờ chưa cao điểm nên người bán ít, chỉ vài tuần nữa thôi là dọc con đường này toàn là trâm, nhìn đông vui lắm”- ông Be phấn chấn.
Đang loay hoay chất hàng cho thương lái, ông Chau Chum (ngụ ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) chia sẻ: “Cây trâm không biết có tự bao giờ nhưng lúc còn nhỏ, tôi đã thấy ông và cha mình hái bán rồi! Dù ở địa phương cây trâm có rất nhiều nhưng đều không phải do bàn tay con người trồng. Nghe ông bà kể rằng, các loài chim ăn trái trâm rồi nhả hạt xuống đất, lâu ngày dài tháng cây lớn và cho trái cho tới nay. Chúng tôi thường gọi đó là “lộc của trời”, bởi chim nhả hột trên đất ai nhiều thì mặc nhiên người ấy sở hữu trâm nhiều hơn”.
Hiện, ông Chum có 12 gốc trâm, mỗi năm đều cho trái rất sai và cứ đến mùa thì thu hoạch, chứ ông chẳng hề tốn công chăm sóc. Trái trâm được bán với 3 giá, trái lớn 35.000 đồng/ kg, trái vừa 30.000 đồng/kg và trái nhỏ giá từ 15.000 – 17.000 đồng/ kg. Hễ đến mùa là thương lái từ khắp nơi lại đổ về mua rất nhiều, có cả thương lái ngoài tỉnh đến mua. Tuy ở đất núi nhưng giống cây này lại phát triển rất tốt và không cần chăm sóc. Nó phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu trời nắng hoặc mưa nhiều thì ảnh hưởng đến chất lượng trái. Mới hái được vài hôm (khoảng 20-30 kg trâm/ngày), nhưng thu nhập gia đình ông Chum khá cao (600.000 – 700.000 đồng/ngày).
“Hết mùa trâm, tôi “bỏ túi” hơn cả chục triệu đồng chứ không ít. Đó là chưa kể đến những trái mọc ở trên cao (hái không tới) đành phải bỏ. Mặc dù nhẹ phần chăm sóc, nhưng chúng tôi lại nặng việc trèo cây hái trái lắm. Ai hái nhanh lắm thì một buổi sáng cũng chỉ được chừng 30kg. Vì phải leo lên cao, lựa từng trái trâm chín, chừa lại trái còn sống để thu hoạch tiếp, chứ không dùng lồng bẻ được” – ông Chum nói.
Nhìn nụ cười phấn khởi của người dân nơi đây, tôi thầm mong họ sẽ có được một mùa trâm bội thu hơn năm rồi. Dù đã lên xe về nhưng hình ảnh người trèo cây hái trâm ẩn hiện sau những tán cây xanh, và xề trâm đen tròn của chị bán hàng vẫn còn dư âm trong lòng tôi. Bất chợt nhớ lại bài đồng dao khi xưa, tôi lại ngâm thầm: “Trời mưa lâm râm/ Cây trâm có trái/ Con gái có chồng…”