Về miền tây thưởng thức lá sầu đâu

Món ăn là sự pha trộn giữa vị đắng của lá sầu đâu, cái mằn mặn của khô cá sặt, chua của xoài, hương thơm nồng các loại rau rất hấp dẫn.

Sầu đâu là loại cây hoang dã, mọc nhiều nhất ở Châu Đốc (An Giang), Kiên Giang, Bạc Liêu… Không như cây sầu đâu (sầu đông) phổ biến ở miền Trung, có hoa màu tím, lá độc không ăn được. Cây sầu đâu ở miền Tây có hoa màu trắng, lá có vị đắng, thường được người dân ở đây chế biến thành món gỏi sầu đâu ngon miệng.

sau-dau-1-jpg-1361929194_500x0

Hàng năm, vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 Âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Nếu có dịp ghé chợ Tri Tôn (Châu Đốc – An Giang) vào thời gian này, bạn có thể thấy từng bó lá và hoa sầu đâu được bán đầy trong chợ. Người dân thường mua lá và bông sầu đâu về, trộn chung với các nguyên liệu khác như khô cá sặt, thịt ba chỉ, dưa leo, xoài sống, các loại rau thơm… tạo nên món gỏi sầu đâu đặc trưng nổi tiếng ở vùng đất này.

sau-dau-2-jpg-1361929194_500x0

Lá sầu đâu có vị đắng nên sau khi lặt những lá non, rửa sạch, người ta thường cho lá vào nồi chần với nước sôi cho bớt vị đắng. Các nguyên liệu khác được chế biến đơn giản, thịt ba chỉ luộc chín và thái sợi, tôm luộc chín bóc bỏ vỏ. Khô cá sặt nướng chín và xé nhỏ, xoài xanh gọt vỏ, thái sợi nhỏ, dưa leo rửa sạch, thái sợi.

Trộn tất cả các nguyên liệu trên lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt lên trên, trộn lại thật đều cho thấm gia vị là được. Gắp một miếng gỏi sầu đâu chấm và thưởng thức. Vị béo của thịt, ngọt của tôm, chua của xoài hòa lẫn vị hơi đắng của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác tạo nên một cảm giác lạ miệng và thơm ngon rất khó diễn tả.

Thuỷ Lê