Tuy không nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), nhưng chợ nổi Châu Đốc vẫn hội đủ những nét đặc sắc của vùng sông nước Nam Bộ, trở thành nét đẹp văn hóa địa phương.
Đối với người dân địa phương, họ ít khi dùng đến cụm từ “chợ nổi Châu Đốc” mà chỉ quen với hai tiếng “ra ghe”. Đó là hai từ vắn tắt để chỉ việc trao đổi, mua bán tại chợ nổi Châu Đốc. Chiếc xuồng máy từ từ rẽ nước đưa chúng tôi rời bến ra giữa sông, xa xa đã thấy hiện lên những chiếc ghe lớn, nhỏ đủ loại, thấp thoáng bóng người tới lui mua bán.
Anh Nguyễn Văn Thì, người dân xã Châu Phong (TX. Tân Châu), cho biết: “Tôi làm nghề đưa đò mười mấy năm rồi, chứng kiến mấy lần chợ nổi dời chỗ. Nhưng mà đậu ở đâu cũng được, người ta vẫn mua bán bình thường, nhiều gia đình sống được là nhờ vào chợ nổi, gia đình tôi cũng vậy?”.
Anh Thì kể rằng, không biết từ bao giờ, người ta nhóm chợ trên sông, anh chỉ biết lúc nhỏ đã được theo cha “ra ghe” mua dưa hấu, mua khoai về cho mẹ mình đẩy xe đi bán. Lớn lên, anh đưa đò, mỗi ngày kiếm năm, bảy chuyến khách ra chợ nổi cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Nhắc đến chợ nổi, anh nói mình “rành sáu câu vọng cổ” vì có bao nhiêu ghe đậu ở đây anh đều quen mặt chủ, chỉ cần nói muốn ra ghe của ai là anh chở đến nơi tức thì.
Đi một vòng quanh chợ nổi, theo quan sát của chúng tôi có trên dưới 30 chiếc ghe đậu gần nhau nhưng xen kẽ để những chiếc đò có thể len lỏi đưa khách vào mua những thứ hàng hóa họ cần. Ở chợ nổi, người ta không chào hàng bằng tiếng rao, mà sử dụng hình thức “bẹo hàng”.
Chủ ghe muốn thông báo cho người mua biết mình bán món gì, họ dùng cây sào cắm xuống sông rồi treo món đó lên, ai bán chuối thì bẹo chuối, ai bán dưa thì bẹo dưa. Ở đây, người ta bán đồ trái hoặc các loại củ chứ không bán rau cải vì mấy loại đó mau hư lắm.
Chủ ghe tại chợ nổi đều là dân tứ xứ, quen sống kiếp thương hồ, họ mang hàng hóa từ khắp nơi về đây bán lại cho người địa phương. Anh Nguyễn Văn Vân, bạn hàng ở Bến Tre, tâm sự: “Tôi lui tới chợ này hơn 15 năm rồi, chỉ quen bán dừa với chuối thôi, cứ mỗi chuyến đi mất 4-5 ngày, đồng lời cũng khoảng 2-3 triệu đồng/chuyến. Thấy như vậy cũng sống được nên bạn hàng ở đây đeo nghề này luôn”.
Dù là bạn hàng nhưng những chủ ghe tại chợ nổi lại có nét chất phác, giản dị. Họ không trả giá gay gắt như bạn hàng trên đất liền, giá cả cứ tùy vào nông sản xấu, đẹp mà định liệu.
Tại chợ nổi, có rất nhiều ghe bán cùng mặt hàng, người đi chợ có thể lựa chọn mua của ai tùy thích. Do bạn hàng tứ xứ nên hàng hóa tại chợ nổi cũng “xuất thân” từ nhiều vùng khác nhau, từ Bến Tre, Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho đến Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long…
Anh Nguyễn Văn Nông, bạn hàng lâu năm tại chợ nổi, cho biết: “Chợ nhóm đông nhất vào lúc 6-7 giờ sáng, khi đó người ta ra mua đồ về rồi đẩy xe đi bán lại. Độ 9 giờ sáng là vãn người, tới 12 giờ trưa là chúng tôi lui ghe về bến đậu vì hết bạn hàng rồi. Lúc ra bán thì đậu nhiều chỗ, khi về bến là tập trung thành hàng ngay ngắn. Chiều chiều, anh em ngồi lại lai rai vài xị, ca hát với nhau như người trong một xóm vậy!”.
Chiếc ghe máy xập xình đưa chúng tôi trở vào bờ, để lại phía sau những chiếc ghe chở đầy nông sản neo đậu giữa sông. Nằm bên thành phố trẻ đang vươn mình thay đổi từng ngày, chợ nổi Châu Đốc vẫn mang trong mình nét đẹp văn hóa xưa, lưu giữ những giá trị độc đáo của vùng sông nước An Giang.