Theo Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp (Trường Đại học Tiền Giang), kinh Chợ Gạo đầu tiên do nhân dân đào vào năm 1875, sâu 3 mét, rộng 20 mét. Đến năm 1913, kinh được chính quyền thực dân nạo vét và mở rộng bằng xáng múc nhằm mục đích giao thông và quân sự.
Pháp đặt tên kinh Chợ Gạo là Canal Duperré. Kinh nối liền sông Tiền tại rạch Kỳ Hôn (cách Mỹ Tho 4 km), với sông Vàm Cỏ Tây tại rạch Lá và chảy ngang qua địa phận huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Long An), có bề dài tổng cộng 28,5 km.
Ngay từ lúc kinh Chợ Gạo mới đào, đời sống của cư dân đã bắt đầu sung túc, náo nhiệt nhất là từ năm 1902, thương thuyền qua lại tấp nập. Công ty giang vận (Messageries Fluriales) cũng sắm tàu đưa khách chạy trên tuyến kinh này.
Để tránh tai nạn và tránh sự chen lấn, giành giật, đến năm 1902, nhà cầm quyền đã đặt một đồn kiểm tra và một chiếc đò đưa khách qua sông, gọi là “bắc Chợ Gạo”. Sau đó, “bắc Chợ Gạo” được cải tiến, điều khiển qua lại nhờ bằng dây cáp nối hai bờ và di chuyển qua lại bằng sức kéo tay của các công nhân thay vì đẩy bằng máy.
Hình ảnh “bắc Chợ Gạo” ngày xưa (ảnh tư liệu). |
Những người công nhân dùng một khúc gỗ một đầu được khoét sâu làm cái móc cho vào dây cáp mà kéo. Cái dụng cụ đặc chế nầy gọi là “cái guốc.” Những người công nhân đứng dàn thành hai hàng bên mạn phà, dùng guốc gỗ này cặp vào hai sợi dây cáp rồi vặn tréo lại, kéo thật mạnh cho phà đi tới. Chỉ có xe đò chạy suốt Mỹ Tho – Gò Công – Mỹ Tho mới được xuống phà sang sông, còn các loại xe chở khách khác như xe “Lam” thì phải đậu lại bên này sông.
Sau này, “bắc Chợ Gạo” mới được một chiếc ghe lớn, gắn máy Yanmar đẩy qua sông, không còn phải sử dụng công nhân kéo phà nữa, lúc này những chuyến phà sang sông nhanh hơn đôi chút.
Đến thời gian đầu thập niên 70 vào những ngày mưa bão, vì không muốn lệ thuộc vào những chuyến phà chậm chạp này, công binh Mỹ và hãng thầu RMK khởi công xây dựng cầu Chợ Gạo (cầu cũ hiện nay) vì muốn nhanh chóng đưa những chuyến xe nhà binh chở lính và vũ khí quân dụng về tiếp viện cho những đồn, trạm ở miệt bên kia sông Kỳ Hôn luôn bị quân giải phóng công kích.
Đất để đắp mố cầu được móc tại khu vực Láng Biển (nay thuộc xã Long Bình Điền). Theo chuyện kể lại, trong quá trình xây cầu, có hai lính Mỹ bị chết khi canh gác ở đây (một bị rắn độc cắn, một rớt xuống lòng kinh chết đuối). Đến năm 1973, cầu Chợ Gạo được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bấy giờ xe qua cầu Chợ Gạo phải đóng lệ phí là 65 đồng. Từ năm 1975 đến nay, cầu Chợ Gạo đã được tu sửa nhiều lần.
Cầu Chợ Gạo cũ sẽ được tháo dỡ vào ngày 14-4. |
Do khoang thông thuyền của cây cầu Chợ Gạo cũ hẹp trong khi lưu lượng tàu, thuyền qua lại trên kinh Chợ Cạo rất lớn nên thường xuyên dẫn đến ùn tắc khi qua cầu. Vì vậy, Bộ Giao thông – Vận tải đã quyết định xây dựng cầu Chợ Gạo mới với tổng vốn đầu tư trên 106 tỷ đồng, được chính thức khởi công xây dựng vào tháng 7-2010.
Đến tháng 9-2011, do thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, cầu Chợ Gạo đã tạm dừng thi công vì không có vốn. Đến tháng 7-2012, dự án được khởi động trở lại. Công trình cầu Chợ Gạo thuộc gói thầu số 6.1 nằm trên Quốc lộ 50. Điểm đầu của dự án tại lý trình Km 71+275 phía Gò Công, điểm cuối của dự án thuộc lý trình Km 74+745 phía Mỹ Tho.
Cầu Chợ Gạo có tổng chiều dài 595 m, quy mô công trình cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực thiết kế cầu vĩnh cữu.
Cầu Chợ Gạo mới được chính thức lưu thông vào ngày 13-4. |
Đến sáng ngày 13-4, cầu Chợ Gạo mới đã được chính thức cho lưu thông còn cầu Chợ Gạo cũ sẽ được tháo dỡ vào lúc 9 giờ ngày 14-4. Nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong thị trấn Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang sẽ tận dụng một số vật liệu cũ sau khi tháo dỡ cầu Chợ Gạo cũ và đầu tư thêm 32 tỉ đồng để xây dựng cầu có tải trọng 8 tấn.