Đến xã Bình Đông hầu như ai cũng biết đến thương hiệu lạp xưởng “Cầu Nổi”, vì nơi đây có truyền thống làm lạp xưởng ngon từ xưa đến nay, mỗi khi du khách từ TP Hồ Chí Minh về Gò Công hay người dân Gò Công lên thành phố qua phà Mỹ Lợi đều ghé mua đặc sản của Thị xã Gò Công về làm quà biếu cho người thân hay gia đình. Ngoài những món ăn thức uống khác thì lạp xưởng là một trong những món quà đầy ý nghĩa và trong dịp tết lại có ý nghĩa hơn.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đòi hỏi người làm ra sản phẩm phải đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy qua thời gian hình thành và phát triển theo từng giai đoạn, người làm lạp xưởng khu vực này tuy có thay đổi về mẫu mã cách chế biến, sử dụng công cụ hiện đại nhưng đều có hương vị đậm đà không thể nào quên.
Hiện ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, Thị xã Gò Công có trên 30 hộ làm lạp xưởng, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Trọng và bà Hồ Thị Đẹp hay còn gọi là Cơ sở lạp xưởng Chín Trọng, ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, Thị xã Gò Công gần phà Mỹ Lợi. Đến cơ sở sản xuất lạp xưởng của ông Trọng vào dịp cuối năm thấy mọi người đang khẩn trương trong công việc để hoàn thành các công đoạn nhằm tạo ra những sản phẩm ngon hợp vệ sinh.
Ông Trọng kể : Từ những năm 1990 gia đình bên vợ làm nghề mổ heo, sau khi bán hết thịt nguyên, còn lại một số thịt vụn dùng làm lạp xưởng ăn trong gia đình, số còn lại bán cho khách từ nơi khác đến, nhiều khách khi về Thành phố Hồ Chí Minh thấy lạp xưởng ăn rất ngon nên giới thiệu cho người thân gia đình đến mua, từ đó ngày càng nhiều người biết đến lạp xưởng “Cầu Nổi”. Được cha mẹ truyền lại nghề làm lạp xưởng, hai ông bà tiếp tục nghề của gia đình, trước kia làm chỉ theo vụ, tập trung vào dịp tết, ban đầu làm thủ công nên năng suất không cao, sau thời gian tìm tòi học hỏi, thường xuyên truy cập mạng internet thấy những công cụ sản xuất tiện lợi ít tốn công mà sản phẩm làm ra đẹp và nhanh gấp 10 lần so với thủ công trước đây, thế là ông bà mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc phát triển sản phẩm. Tiếng lành đồn xa, lạp xưởng của ông ngày càng được nhiều người biết đến, hiện nay gia đình làm lạp xưởng bán quanh năm. Bình quân mỗi ngày cơ sở của ông Trọng làm ra từ 150 đến 200 kg lạp xưởng, từ đó tạo cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Trọng cho biết thêm, làm lạp xưởng thì không khó nhưng để làm được lạp xưởng đạt yêu cầu kỹ thuật là khi phơi khô lạp xưởng có màu vàng tươi ngon, hương vị đậm đà thì cũng phải có những bí quyết riêng – nhất là phải an toàn vệ sinh thực phẩm. Lạp xưởng Chín Trọng được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon được lựa chọn kỹ lưỡng kết hợp với hương vị, từ khâu chế biến đến thành phẩm đều đảm bảo hợp vệ sinh an toàn thực phẩm như: Trước khi chế sản phẩm phải vệ sinh máy xay thịt, nơi chế biên, chọn thịt ngon, thịt được giết mổ tại lò có kiểm dịch động vật thịt heo đùi bỏ da, thái miếng cho vào máy xay thịt 1 lần rồi trộn gia vị gồm vị nồng cay của gừng, hương thơm của tỏi xay nhuyễn, rượu thơm, vị ngọt của đường, độ mặn của muối, vị cay của tiêu mà đặc biệt là hạt tiêu nguyên hạt và phải già thì lạp xưởng mới ngon. Vỏ bên ngoài là ruột heo được làm sạch sẽ, sau đó gắn vào máy tự dồn, khi được thành phẩm đem phơi nắng, để chín bằng cách lên men tự nhiên. Lạp xưởng phơi là lạp xưởng khô, còn không phơi là lạp xưởng tươi, lạp xưởng có màu hồng hoặc nâu sậm, vị ngọt, có thể bảo quản lâu- đây là món ăn đặc sắc của Việt Nam, lạp xưởng khi chiên chín được dùng với nhiều món như xôi lạp xưởng, bánh mặn, hoặc dùng ăn với cơm nóng hoặc cơm thập cẩm và nhiều món ăn khác. Đặc biệt là những ngày Tết, lạp xưởng chiên ăn với củ kiệu là món không thể thiếu trong bữa ăn gia đình.
Cơ sở lạp xưởng của ông Chín Trọng ngoài cung cấp những thực phẩm cho người tiêu dùng còn tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 80 đến 100 ngàn đồng/ngày.
Với nhiều năm kinh nghiệm gia truyền, lạp xưởng Chín Trọng đã được khẳng định, người tiêu dùng an tâm hơn về chất lượng của lạp xưởng dùng làm quà tết hay sử dụng trong gia đình, rất ngon và hợp vệ sinh (cơ sở của ông đã được Sở Y tế Tiền Giang cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm); không những thế còn tạo được công ăn việc làm cho lao động trong gia đình và lao động nhàn rỗi tại địa phương. Bản thân ông Nguyễn Văn Trọng ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, Thị xã Gò Công nhiều năm liền đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.
Trong thời gian tới, để thương hiệu lạp xưởng Chín Trọng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và sản phẩm có thể cung cấp được cho các siêu thị, ông Trọng sẽ tiếp tục đổi mới trang thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, thu hút nhiều lao động, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm. Tin rằng trong thời gian không xa, làng nghề lạp xưởng sẽ được hình thành và phát triển tại ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, Thị xã Gò Công.