Gò Công nổi tiếng không vì gió độc mà nổi tiếng là vì nơi đây có nhiều món ngon, trong đó có con móng tay. Con móng tay, theo tên gọi của người Gò Công, dài độ 15cm, giống hệt như cái móng tay chúng ta. Con móng tay “quê quán” ở bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cách Sài Gòn độ 58 cây số theo đường bộ đi ngả Cần Đước-Cần Giuộc qua Bắc Cầu Nổi.

Xin nói ngay kẻo có người lầm, là ở Cà Mau cũng có một địa danh mang tên là xóm Gò Công, nằm ở vịnh Gò Công, tại đây có con sông Bảy Háp đổ ra. Theo người kỳ cựu ở đây kể lại thì cách đây độ 200 năm có một gia đình từ Gò Công đến đây định cư mang theo địa danh “Gò Công” đặt cho vùng đất mới nầy. Và Gò Công Cà Mau không phải là Gò Công Tiền Giang.

***

Một chút lịch sử.

Đất Gò Công Tiền Giang, quê hương con móng tay, ban đầu có tên là huyện Tân Hòa thuộc dinh rồi phủ Hòa Thạnh. Lúc đó quan quân nhà Nguyễn đóng ở trấn Chợ Dinh, sau nầy là làng Đồng Sơn. Phủ Hòa Thạnh lúc đó gồm hai huyện là Tân Thạnh phía Tây và Tân Hòa phía Đông tức thị xã Gò Công ngày nay. Thời vua Minh Mạng chia Nam Kỳ ra 6 tỉnh thì huyện Tân Hòa tách ra khỏi phủ Hòa Thạnh để nhập vào phủ Tân An thuộc tỉnh Gia Định.

Móng tay chuẩn bị trụng nước sôi.

Ngày 12 Tháng Tư năm 1861, Pháp đánh chiếm Định Tường, cho đặt đồn binh ở huyện Tân Hòa. Đến năm 1864 Pháp lần lượt chiếm toàn Nam Kỳ và chia Lục Tỉnh thành ra 27 tham biện, đổi huyện Tân Hòa thành tham biện Gò Công thuộc Sài Gòn.

Ngày 20 Tháng Mười Hai năm 1899, soái phủ Sài Gòn bỏ tên tham biện đổi thành Province/Tỉnh; thì Gò Công trở thành là một trong 20 tỉnh của Nam Kỳ bấy giờ. Tỉnh Gò Công đặc biệt không có quận.

Thời Ngô Đình Diệm năm 1956, Gò Công thuộc tỉnh Định Tường. Lúc đó Gò Công chia ra hai quận là quận Hòa Đồng và quận Gò Công. Năm 1964 do nhu cầu quân sự chánh trị, Gò Công trở lại là tỉnh Gò Công, gồm có Châu Thành Gò Công và 4 quận: Hòa Lạc, Hòa Bình, Hòa Đồng, Hòa Tân.

Gò Công hiện nay chia ra hai huyện là Gò Công Đông và Gò Công Tây, thuộc tỉnh Tiền Giang.

***

Nói về con móng tay thì ở nước mình chỉ có nhiều ờ biển Tân Thành Gò Công (nơi khác rất hiếm), nên trở thành loại đặc sản quý. Người Gò Công hành diện được người đời gọi con móng tay với tên là “móng tay Gò Công.” Mỗi năm móng tay chỉ xuất hiện một lần vào Tháng Năm Âm Lịch, giống như con còng lột Gò Công vậy.

Thuở xưa, vào mùa móng tay, không ai hẹn ai mà có cả trăm người khắp nơi đổ xô đến khu vực bãi biển Tân Thành này để bắt con móng tay.

Nói là bắt móng tay chớ thật ra là người ta dùng cây que tre, hay que dừa nhỏ như cây nhang, dài độ gang tay người lớn, chấm que vào vôi ăn trầu và thọc sâu vào miệng hang móng tay. Chờ một chút, tức thì con móng tay từ dưới cát vọt ra, trồi đầu lên! Có con chỉ mới ló đầu ra khỏi hang, bạn giữ lấy đầu nó và kéo lên, và nghe như có sức từ dưới cát trì lại vậy. Quả là rất ngộ và vui mắt!

Bắt móng tay coi dễ dàng nhưng khó! Bởi bạn phải tìm cho đúng hang con móng tay. Việc nầy khó với chúng ta, nhưng không khó đối với người sành điệu Gò Công.

Biển Gò Công một chiều yên vắng. (Hình: TSTTourist)

Con móng tay là loài nhuyễn thể, ăn phiêu sinh vật, sống trong cát có pha bùn dọc theo các cửa biển như cát ờ biển Gò Công. Khi thủy triều lên tràn vào bờ, móng tay ra khỏi hang để kiếm mồi; nghe có tiếng động chúng nhanh chóng lủi sâu xuống cát để trốn nhờ vào cái “chân” thật mạnh.

Móng tay hình dài, ốm cỡ ngón tay út, bên ngoài có hai miếng vỏ mỏng trắng nõn che con móng tay bên trong. Đầu móng tay ló ra dùng để di chuyển trong nước như cái chân, nên có người gọi là “chân móng tay” là vậy.

Móng tay sống trong cát nên trước khi làm món ăn người ta phải ngâm chúng trong nước vo gạo hoặc nước pha ớt, pha giấm cho móng tay nhả hết cát. Rửa lại cho sạch đoạn cho móng tay vào chậu trụng nước nóng cho hai vỏ mở tách làm đôi. Dùng tay tách bỏ vỏ lấy ruột/thịt. Móng tay ruột lớn, toàn thịt, thịt mềm giòn và ngọt nhưng có hậu hơi mặn vì sống dưới biển.

Móng tay làm món gì cũng ngon cả. Móng tay chế biến rất đơn giản và có mấy món mà người Gò Công thường làm để ăn cơm như móng tay kho tiêu, xào cay, xào dưa cải chua, xào sả ớt, nấu canh bầu, nấu canh gừng…

Người Gò Công thích làm món móng tay tả-bánh-lù/nhúng giấm gói bánh tráng với rau thơm và chấm tương bằm.

Móng tay nấu cháo, nấu canh chua lá me, móng tay nướng là món nhậu khoái khẩu, rất độc đáo của Gò Công.

Người Sài Gòn, người Tàu có món móng tay hấp tỏi, xào tiêu đen, nấu canh gừng… ăn hấp dẫn và dễ tiêu hóa.