Ở vùng quê Hậu Giang, đặc sản cá thát lát được biết đến bởi các món ngon truyền thống như: Canh khổ qua dồn thịt chả cá thát lát, chả cá thát lát kho ngót (kho mẳn), chả cá thát lát nấu canh tần ô (hay rau cải trời). Nhưng ít người biết đến một món ngon dân dã khác, đó là: Khô cá thát ướp gia vị một nắng chiên giòn.
Cá thát lát là loại cá nước ngọt có nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Cá có thân dẹp, màu xám ở lưng, màu trắng bạc ở bụng, 2 bên thân từ dưới bụng đến đuôi có những điểm chấm đen (cá thát lát cườm). Cũng có loại cá thát lát toàn thân màu trắng bạc và không có điểm đen. Cá thát lát là loại cá ăn tạp, thức ăn chính của chúng là các loại động vật giáp xác và rong tảo.
Cá thát lát là loại cá có giá trị kinh tế vì thịt ngọt, thơm ngon, ít xương. Đặc biệt hơn cả là độ dai, dẻo của thịt cá nên được mọi người ưa thích. Hiện nay một số địa phương như Hậu Giang đã nhân giống và nuôi cá thát lát trong ao, ruộng, mương vườn,.. và đặc sản cá thát lát là thương hiệu chính nơi đây.
Chế biến món khô cá thát lát tuy rất dễ dàng và nhanh gọn, nhưng cũng cần có những bí quyết và tinh tế trong khâu chọn nguyên liệu và nêm nếm cho vừa khẩu vị. Trước hết, phải chọn cá còn tươi, con lớn, thịt nhiều. Khi cá đã làm sạch, lấy cán dao dần nhẹ 2 bên thân cá (cho thịt cá có độ dai), rồi dùng dao khứa đều 2 mặt (khoảng cách độ 2 phân) cho bớt xương nhỏ cũng như để gia vị dễ ngấm. Ướp gia vị (tỏi, muối, sả, ớt, bột nêm,…) cho vừa khẩu vị, để ngấm khoảng 15 phút rồi đem cá lên rổ phơi cho da và thịt cá hơi se se lại (nắng tốt, khoảng 1 nắng) mới gỡ cá đem vào nhà.
Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) tỏi thơm rồi thả cá vào chiên ngập trong chảo dầu với ngọn lửa liu riu. Khi mặt dưới cá chín, trở mặt trên xuống, đợi cá vàng đều 2 mặt, vớt ra để ráo. Lưu ý: Khi chiên cá, nhớ gạt bỏ phần sả bằm lúc ướp cá (để cá không bị cháy khét, mất ngon). Sau khi cá chin, cho sả bằm vào chảo xào sơ cho thơm, múc ra rải đều lên cá. Chỉ cần chuẩn bị một dĩa rau sống (dấp cá, rau thơm, dưa leo,…) cùng chén muối tiêu chanh (hoặc chén nước mắm chua ngọt) cùng nồi cơm nóng gạo mới dẻo thơm nữa là đủ bộ.
Nhìn dĩa cá thát lát một nắng ướp gia vị chiên giòn với màu sắc bắt mắt và mùi thơm sực nức bốc lên khiến ai nấy đều cồn cào trong bụng và muốn thưởng thức ngay. Giẽ miếng thịt cá thát lát đưa lên miệng nhai chầm chậm sẽ tận hưởng hương vị dai, béo, giòn thơm đặc trưng của cá hòa lẫn vị cay cay của sả ớt,.. Và miếng cơm nóng vào nữa mới cảm nhận hết vị ngon tuyệt vờ,i khiến ta luyến nhớ mãi một món ăn đặc trưng của vùng đồng đất miền Tây.
Thật đúng với câu ca dao mà người xưa đã ca tụng: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về!”, quả thật không ngoa!.