Ngoài vẻ đẹp, các loại hoa ở miền Tây còn là nguồn thực phẩm và là nguồn dược liệu quan trọng trong phòng và chữa bệnh của cư dân nơi đây.
Bông điên điển: điền thanh thân tía, điền thanh bụi.
Trị zona: dùng đọt non cây điên điển đâm với muối hạt đắp lên chỗ da bị dời ăn liên tục vài giờ rồi rửa sạch. Mỗi ngày đắp 1 – 2 lần.
Bài thuốc bổ tim: dùng bông điên điển bỏ cuống, chưng cách thủy với đường phèn, mỗi ngày ăn 100 – 200g liên tục trong nhiều ngày.
Kích thích tiêu hóa, nhuận trường, giải nhiệt: hoa điên điển rửa sạch, để ráo, cho vào hũ sành, hoặc hũ thủy tinh. Lấy phần lắng trong của nước vo gạo pha với muối rồi đổ vào hũ ngập hoa. Dùng lá chuối hoặc lá môn rửa thật sạch, đậy kín hũ. Khoảng 3 ngày sau, hoa chua là ăn được. Dưa hoa điên điển ăn giòn, ngon miệng. Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị của hoa điên điển tươi, có thể chế biến món hoa điên điển với dừa nạo, bằng cách: lấy khoảng 200g hoa điên điển nhặt rửa sạch, để ráo nước; nạo 1/2 trái dừa khô, trộn chung với hoa cho đều rồi múc ra đĩa. Chưng mắm hoặc nước tương, khi đang nóng thì trút vào đĩa trộn đều để ăn.
Chữa mụn nhọt: dùng lá điên điển rửa sạch, giã nát với ít muối, đắp lên chỗ đau giúp bớt sưng và mau lành miệng.
Điều hòa kinh nguyệt: dùng 12 – 16g hạt điên điển khô sắc uống hằng ngày.
Ngoài ra: hoa điên điển xào trứng là một món ăn vừa thơm ngon, bổ dưỡng, giải nhiệt, giải độc, có ích cho người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, táo bón, đái tháo đường, trẻ em bị mụn nhọt. Cách chế biến cũng rất đơn giản: bông điên điển 100 – 200 g rửa sạch để ráo; trứng vịt 2 – 3 quả đập vào tô, nêm ít gia vị (nước mắm, tiêu, bột ngọt), một ít hành lá xắt nhỏ rồi đánh đều để sẵn. Cho dầu ăn vào chảo phi hành vừa vàng thì trút hoa điên điển vào trộn đều, sau đó đổ trứng vào để vàng mặt rồi lật qua mặt sau, khi vàng đều thì trút ra đĩa, dùng nóng trong bữa cơm.
Bông súng: thuộc giống Nymphaea, là một giống của những loài thực vật thủy sinh thuộc họ Nymphaeaceae.
Cây bông súng là một loài cây hoa chỉ nở ban ngày, với những rễ và thân nằm trong nước. Một phần lá được ngập nước, trong khi những phần khác nổi nhẹ trên mặt nước.
Bông súng hái khi mới nở, dùng tươi hay phơi khô.
Chữa bệnh mất ngủ: 15 – 30g nấu sắc với 200ml nước, còn lại 50ml, uống 1 lần trong ngày. Hoặc dùng phối hợp với vị khác: hoa súng 15g, tim sen 10g, hoa lài 10g. Tất cả sấy khô, tán nhuyễn, pha như trà uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa bàng quang đái rắt dùng: hoa súng 15g, râu bắp 15g, rễ cỏ tranh 10g, rau má 10g, rau diếp cá 10g. Nấu sắc lấy nước đặc uống ngày 2 lần.
Bông so đũa:
Tên khác: su đũa, điền thanh hoa lớn. Tên khoa học: Sesbania grandiflora(L.) Poiret.
Bông so đũa chứa lượng vitamin C cao (0,1%), vitamin B, muối canxi và sắt, các axít amin.
Dịch của bông và của lá so đũa là một vị thuốc dân gian ở Ấn Độ để trị chứng sổ mũi, đau đầu. Khi vào mũi, nó tạo ra sự tiết nhiều dịch và làm tan biến đi cảm giác đau nhức và nặng nề ở trên đỉnh đầu. Nước sắc hoa cũng dùng để tẩy.
Người dân Ấn Độ dùng bông so đũa để chữa vàng da, viêm phế quản, bệnh gút, phù thũng và sốt cách nhật.
Trị cảm cúm: bông và lá giã nát,vắt nướcnhỏ mũi trị cảm cúm.
Cây và bông cù nèo:
Họ Kèo nèohay còn gọi là họ Cù nèo, họ Choóc hay họ Nê thảo(tên khoa học: Limnocharitaceae). Đây là loại cây hoang dại mọc khắp đồng bằng sông Cửu Long, hơi giống với cây lục bình (bèo Nhật Bản) nhưng sống bám cố định vào bùn đất chứ không trôi dạt như lục bình. Theo y học dân gian, cây cù nèo là vị thuốc chữa trị các chứng đau lưng, nhức mỏi, mát gan, lợi tiểu…; còn theo các bà nội trợ miệt vườn cù nèo là thức ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đạm bạc của miền Tây Nam bộ. Các bài thuốc này dùng toàn cây trừ rễ (lá, hoa, bẹ).
Chữa di tinh mộng tinh: cù nèo 50 – 100g tươi sắc nước uống.
Chữa phụ nữ nóng nhiệt ra nhiều khí hư: cù nèo tươi 50g, lá trinh nữ hoàng cung 20g, sắc nước uống ngày vài lần.
Chữa viêm tiết niệu: cù nèo, mã đề, mỗi thứ 50g sắc uống ngày 3 lần.