Nấm mối là thứ đặc sản trời cho – một món quà quý giá mà đất đã dành tặng không cho con người.
Những ngày đầu mùa mưa, trời không còn nắng oi ả nhưng lại khiến con người bức bối, khó chịu. Thay vì chờ đợi một cơn mưa mối xả thì người nông dân lại ngóng trông cho một “mùa hái tiền – mùa nấm mối”.
Sau một vài cơn mưa đầu mùa, cứ hễ trời oi bức mấy ngày liền là người dân quê tôi từ trẻ con đến người lớn đều háo hức hò nhau đi hái nấm. Mới chỉ 2-3h sáng, trong từng khu vườn, từng cánh rừng đã le lói ánh đèn và tiếng rì rầm. Đó là lúc người ta kéo nhau đi hái nấm. Có những hôm cả khu rừng rộn ràng như lễ hội, tiếng bước chân, tiếng lá khô xào xạc, tiếng cười đùa, hò reo mỗi lần nhìn thấy một ụ nấm, rồi tiếng trẻ con tranh giành nhau chí chóe.
Sở dĩ người quê tôi đi hái nấm từ trong đêm, ngoài lí do để hái được những cây nấm búp mới mọc thì còn vì “cạnh tranh nhau”, chỉ cần ra trễ chút xíu là đứng nhìn người ta xách từng bao nấm đi qua mà… thèm thuồng, tiếc nuối.
Tới mùa nấm, đi dọc các con đường nửa nông thôn nửa thành thị ở quê tôi thể nào cũng bắt gặp những “chợ nấm” ở các góc đường. Ai đi qua cũng đều muốn ghé nhìn nhưng chỉ những “đại gia” mới dám móc ví ra mua vì xem ra nửa ký nấm có thể mua được cả ký thịt bò loại 1.
Nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ, không được thiên nhiên quá ưu đãi như ở vùng sông nước miền Tây nên nấm mối cũng không có nhiều. Ai “hạp” (theo cách gọi của dân gian) thì mới thấy nấm, còn ai không “hạp” thì có xách giỏ đi cả ngày cũng không được cọng nấm nào. Vì hiếm hoi nên ở quê tôi, nấm mối chỉ đủ để xào hoặc nấu canh chứ không thể dùng để kho tiêu ăn dần như ở Bến Tre, Vĩnh Long,…
Nấm mối là món ăn đạm bạc nhưng nhiều chất dinh dưỡng dùng cho người ăn chay. Chỉ cần một dĩa nấm xào và một tô canh rau tập tàng là quá đủ đầy cho một bữa cơm sang trọng của gia đình người nông dân nghèo quê tôi.
TRÂN CHÍNH