Rươi sống dưới mặt đất thuộc vùng nước mặn, ngập mặn, cập theo sông rạch, bãi bồi ven biển. Hình dạng con rươi nhỏ chừng cây diêm quẹt, dài từ một tất rưỡi trở lại, thân mềm nhũn. Khi còn sống con rươi mang màu máu tươi, trong suốt. Hàng năm, rươi thoát khỏi nơi cư trú vào mùa gió chướng, khi con nước dâng cao ngập cả bờ (từ tháng 11 mà đỉnh cao là cuối tháng chạp âm lịch). Chúng quyện vào nhau, trôi từng giề đông đặc trên mặt nước, dọc theo những con sông, rạch miền biển. Bà con cư dân dùng vợt bọc bằng vải mùng để hứng, vớt rươi.
Rươi là một loài sinh vật sinh sản trong tự nhiên, không phải mất công nuôi dưỡng. Nhưng khi chế biến chúng thành nước mắm thì lại là loại nước mắm có giá trị thơm ngon bậc nhất, nước mắm cao cấp, cho ta lượng đạm cao, nhiều bổ dưỡng và hấp dẫn khẩu vị. Công thức chế biến nước mắm rươi của cư dân ở đây cũng đơn giản. Trung bình cứ một đôi rươi bằng 40 lít khi mới vớt lên, pha 8 lít muối hột cộng 20 lít nước lã, ủ trong lu hoặc trong mái dầm, rồi đem phơi nắng khoản 10 đến 15 ngày, rươi có màu vàng sậm, hàm lượng đạm cao, hương vị ngai ngái nồng nàn. Chuyện kể rằng trong thời gian bôn tẩu tới đây, chúa Nguyễn Ánh được người dân địa phương “tiến” món nước mắm đặc sản này và được chúa tấm tắc khen ngon. Từ đó, nước mắm Rươi còn có mỹ danh là “nước mắm ngự”.