Cách nay khá lâu, hàng năm cứ đến ngày mùng 5 tháng Năm (Tết Đoan Ngọ) là bà con ở dọc theo các con sông lớn, sông cái đều chuẩn bi ngâm gạo, xay bột đổ bánh xèo ăn mừng ngày mùng 5 tháng Năm.
Bánh xèo “mùng 5 tháng Năm” đặc biệt thơm ngon nhờ nhưn (nhân) làm bằng ốc gạo vừa ngọt, béo vừa thơm giòn không có thứ gì qua mặt nổi. Muốn có những cái bánh chất lượng, ngoài bí quyết đổ bánh, người ta còn dùng thịt ốc để làm nhưn. Trước hết người ta luộc ốc, cạy lấy thịt rồi đem xào với hành củ trước khi đổ bánh.
Ốc gạo nổi tiếng nhất hiện nay là ốc gạo Phú Đa trên dòng Cổ Chiên, thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre và ốc gạo Tân Phong, thuộc huyện Cai Lậy – Tiền Giang. Đó là những cồn bãi được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho món quà thiên nhiên quý giá mà con người đã thừa hưởng từ hơn nửa thế kỷ qua.
Có thể nói con ốc gạo tuy nhỏ bé nhưng lại là nguồn lợi lớn lao, là ân nhân của những gia đình nghèo, giúp cho hàng trăm hộ gia đình có cơm ăn áo mặc nhờ cào ốc gạo. Tuy nhiên, muốn có được một rổ ốc, người bắt phải bơi xuồng ra giữa dòng sông, cắm sào, một tay bám sào lặn xuống đáy sông, một tay cào hoặc quơ quào hốt bắt thật vô cùng vất vả. Hiện nay, tại Phú Đa có Hợp tác xã khai thác ốc gạo và cào ốc gạo bằng máy nên các xã viên đỡ vất vả.
Thông thường, ốc gạo sinh sản vào tháng Bảy năm trước và trưởng thành từ tháng Ba, tháng Tư năm sau. Đến đầu tháng Năm âm lịch coi như con ốc đã trưởng thành, sung mãn, mập mạp giúp cho thịt ốc vừa ngon vừa bổ. Kể từ tháng Bảy, Tám trở đi ốc gạo thường ngậm con, thịt ít, chất lượng kém. Nắm được quy luật đó, cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ bà con ở những vùng có ốc gạo thường hay tổ chức đổ bánh xèo nhưn ốc gạo để cúng ông bà và làm tiệc gia đình.
Vào thời điểm tháng Năm, tại vườn du lịch ở ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình – Chợ Lách và nhiều quán ăn miệt vườn thường phục vụ các món đặc sản từ ốc gạo. Từ những con ốc nhể ra thịt vàng ươm, béo ngậy và ngọt giòn, nhiều đầu bếp khéo tay đã chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như gỏi ốc trộn bưởi và cơm dừa; ốc cháy mỡ tỏi; ốc gạo tiềm thuốc Bắc, ốc gạo cuốn bánh tráng… Món nào cũng ngon, mùi vị thơm lừng. Chúng ta chỉ cần thưởng thức một vài lần thôi cũng đủ ghiền cái mùi vị beo béo, giòn giòn của con ốc gạo. Thịt ốc gạo tháng Năm hình như ẩn chứa bao điều thú vị từ mùi phù sa sông nước miền Tây. Đây còn là món ăn gợi cho những người xa quê bao nỗi thèm tiếc, nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ quê và nhớ về tuổi thơ. Ăn ốc gạo chúng ta không chỉ ăn bằng miệng mà còn bằng mắt và mũi, nhất là ốc gạo luộc lá ổi, lá chanh chấm nước mắm sả ớt, vừa ăn vừa lể không kịp.
Ốc gạo vừa ngon vừa thú vị nên hổi nhỏ dại, nhiều bạn bè ham ăn, lén bỏ vào túi áo vài chục con, lâu lâu lấy ra lể nhâm nhi, bị bạn bè phát hiện, mắc cở gần chết. Chuyện chỉ có thế thôi mà bây giờ nhắc lại ai cũng ôm bụng cười.
Sở dĩ gọi là ốc gạo vì vỏ ốc màu trắng xanh xoáy tròn, khi nấu chín dưới cái yếm của nó lồi ra một hạt mỡ trắng như hạt gạo. Lại có truyền thuyết cho rằng từ thuở xa xưa, người dân ở Cồn Tre, thuộc xã Tân Phong đói nghèo lam lũ. Ông trời thương tình mới ban thưởng cho một loài ốc ngon để giúp họ khai thác đem bán lấy tiền đổi gạo. Từ đó, con ốc nầy mới có tên là ốc gạo.
Con ốc gạo tuy quê mùa mộc mạc nhưng lại là một món ăn đầy ắp tình quê. Chính điều đó đã làm tôi nhớ mãi, nhớ hoài mùa ốc gạo tháng Năm!