Từ việc chiều khách là nấu lẩu bằng trái bần, bà Cúc đã biến một trái bần hoang dại thành đặc sản xuất khẩu…
Từ món lẩu cá với trái cây hoang
Cơ sở sản xuất mứt bần, bột bần để nấu lẩu Thủy Tiên của bà Tư Cúc nằm ở mãi tít cuối cù lao Long Trị, ở giữa dòng sông Hậu (thuộc xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh).
Bà Tư Cúc tên thật là Võ Thị Cúc (SN 1952). Hai vợ chồng bà Cúc ra cù lao Long Trị từ mấy chục năm trước.
Hàng ngày hai vợ chồng lặn lội giăng lưới dọc ven sông Hậu kiếm tiền để nuôi bảy người con ăn học. Sống giữa cả rừng bần nhưng bà Cúc chẳng mấy khi để ý đến cái thứ cây dại ấy và rồi cái duyên gắn bà với trái bần cũng thật tình cờ từ việc nấu món lẩu cá.
Theo bà Cúc, khoảng 8-9 năm trước, khi cù lao Long Trị được quy hoạch thành một điểm du lịch của tỉnh Trà Vinh cũng là lúc vợ chồng bà Cúc đều già yếu không thể tiếp tục làm nghề chài lưới. Vợ chồng bà mở một quán nước nhỏ ven đường bán cho khách du lịch qua lại.
Nhiều khách du lịch có nhu cầu thưởng thức đặc sản sông nước giữa cù lao trước khi vào bờ nên bà Cúc bán thêm đồ ăn. Ở cù lao này đặc sản cũng không có gì khác ngoài tôm cá nên bà đành nấu lẩu cá.
Một hôm, có một đoàn khách ghé quán của bà gọi một nồi nẩu cá, nhưng những vị khách này yêu cầu bà dùng trái bần để tạo độ chua thay cho trái me bà vẫn dùng mọi khi. Chiều lòng khách, bà Cúc cũng thử cho trái bần vào lẩu, không ngờ được đoàn khách đó khen ngon. Từ đó bà chuyển hẳn sang nấu lẩu cá bằng trái bần.
Tuy nhiên trái bần chỉ có mùa, từ tháng hai đến tháng năm âm lịch là hết mùa bần. Mà trái bần nếu chỉ bảo quản thông thường như những loại trái cây khác thì không để được lâu. Chính vì vậy, món lẩu bần tạm thời phải dừng lại mỗi khi bần hết trái.
Từ đó bà Cúc trằn trọc suy nghĩ tìm cách làm sao có thể bảo quản được trái bần vài tháng đến mùa bần năm sau mà vẫn giữ được mùi vị như trái bần tươi.
Cuối cùng bà Cúc thử bảo quản bần bằng cách xay nhuyễn rồi nấu chín nên cùng với một số gia vị sau đó cho vào chai lọ. Nhưng nói thì dễ bắt tay vào làm mới khó vì trái bần có rất nhiều hạt và vỏ bần có vị chát.
“Lúc mới bắt tay vào làm thử, tôi để nguyên trái nấu cho mềm rồi chà cho nhuyễn nhưng chỉ để được ít bữa thì bần chuyển thành mầu đen và bị hỏng. Tôi đổi cách làm là để nguyên trái bóp sống rồi chà lấy hột, nhưng để nguyên cả vỏ nên nó có vị chát không thẻ sử dụng được. Sau đó tôi chọn cách gọt vỏ bần rồi chà lấy hạt, sau đó thêm muối, ớt, bột ngọt và dùng lửa nhỏ để nấu thành bột bần mới dự trữ được mấy tháng khi không có trái bần chín cây”, bà Cúc chia sẻ.
Thành đặc sản xuất ngoại
Chế biến bảo quản được bần nhưng thời gian đầu bà Cúc chỉ sử dụng để nấu lẩu tại quán mỗi khi hết mùa bần.
Nhiều người sau khi ăn món lẩu cá với bần ngỏ ý muốn mang một ít bần về nhà sử dụng, mỗi lần như vậy bà Cúc đều cho mỗi người một ít mà không lấy tiền vì nghĩ rằng của nhà làm ra.
Cũng từ việc khách muốn có một ít bần mang về như vậy, bà Cúc bàn với chồng xây dựng một xưởng chế biến trái bần và lấy tên là Thủy Tiên.
Ngoài việc chế biến trái bần thành bột, bà Cúc còn mày mò chế biến thêm món bần chín với đường làm món giải khát, rất ngon với mùi thơm và vị chua chua. Và sau đó lần lượt các món mứt bần, kẹo bần ra đời.
Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều người đến cù lao vừa tham quan vừa kết hợp ăn lẩu bần. Cũng có nhiều tiểu thương kinh doanh tìm đến mua bộ bần, mứt bần về bán.
Năm 2008 bà Tư Cúc quyết định đi đăng kí kinh doanh mặt hàng bột lẩu bần và và mứt bần. Sau đó một năm thì đăng kí thương hiệu cơ sở Thủy Tiên.
Cũng từ việc đăng ký thương hiệu, tỉnh Trà Vinh đưa sản phẩm của bà Cúc đi trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ ở Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang… và gần đây nhất được quảng bá trong các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn khắp cả nước.
Hiện nay mỗi ngày, cơ sở của bà sản xuất khoảng 3000 hộp mứt bần và bột bần, với giá bán 16.000đ/hộp. Số lượng hàng cung cấp ngày càng nhiều nên bà Cúc phải thu mua bần từ những người đi hái, giá 6.000 – 8.000đ/kg.
Công việc làm ăn thuận lợi không chỉ giúp gia đình bà có thu nhập cao mà còn tạo công ăn việc làm cho con em ở cù lao.
Chuyện sản phẩm bần của bà Cúc xuất ngoại cũng hết sức tình cờ, theo bà Cúc, lần đầu tiên sản phẩm bần của bà được đi ra nước ngoài là nhờ một Việt kiều Đức.
Qua tivi, người đàn ông này thấy cảnh bà Cúc chế biến trái bần thành bột nấu lẩu và mứt bần được nhiều người ưa chuộng. Ông liền liên hệ với một người em ở Trà Vinh qua cơ sở của bà Cúc lấy liền 50 hũ chuyển sang Đức cho ông dùng thử ở quán ăn của mình. Cũng từ đó ông là khách hàng ngoại quốc thường xuyên của bà.
Bà Cúc cho biết, mấy năm nay có nhiều đối tác ở TP.HCM đến cơ sở của bà để tìm hiểu sản phẩm nhằm mục đích hợp tác ký kết hợp đồng xuất khẩu sang nước ngoài với số lượng lớn. Hiện sản phẩm chế biến từ trái bần do bà làm ra đã trở thành thương hiệu độc quyền, được bày bán nhiều trong siêu thị trên cả nước. Hiện đã có đối tác hợp đồng xuất sang các nước Úc, Canada, Đức, Lào và Campuchia.
Năm nay bà Cúc đã ngoài 60 tuổi nhưng bà vẫn còn nhiều trăn trở với thứ trái cây bần duyên nợ của mình.
Hiện tại ngoài sản phẩm bột bần, mứt bần, bà Cúc đang nghiên cứu để làm ra nhiều sản phẩm khác từ trái bần để giúp trái bần ở quê mình vươn xa và phục vụ nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi theo bà Cúc, bà đã nghiên cứu một số tài liệu về trái bần và được biết loại trái cây này không chỉ có thể là một loại thực phẩm mà còn là một loại thuốc quý.
“Theo tôi tìm hiểu thì trái bần có công dụng giảm nhiệt chữa cảm sốt, cầm máu, nhất là chảy máu cam. Ngoài ra, trái bần còn có công dụng tiêu viêm chữa tụ máu, sưng tấy. Chất chát của trái bần làm chắc thành mạch và làm lành các vết loét dạ dày, giảm hấp thu đường, mỡ, có tác dụng hạ huyết áp. Người ta còn dùng nước quả bần đã lên men uống chữa bệnh sốt rét và sốt xuất huyết”, bà Cúc cho biết.