Trính đoạn đầu bài tân cổ “Chuyện mùa dâu chín”
Gánh dừa mươi đôi, Em gánh về cho kịp chợ chiều
Nghĩa tình bao năm Luôn bám đất – đất mình yêu
Em về bên xóm – ôi người bạn cũ năm ấy
Quanh năm bên xóm nghèo Em canh giữ cho vườn dâu xanh…
Bài tân cổ “Chuyện mùa dâu chín” từng lưu giữ trong ký ức người dân miền Tây. Hồi ấy, tôi còn rất bé, nhưng vườn dâu nhà nội đã có từ lầu lắm rồi. Đất Phong Điền ngày xưa phần lớn trồng cam mật, chỉ có vườn nhà ông tôi trồng dâu. Nội tôi kể rằng, hồi năm 1960, thương lái ở tận Lái Thiêu (Bình Dương) chở trái dâu xuống bán ở chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ). Người bán thì bảo là trái dâu, còn người mua thì cãi lại là trái bòn bon. Để dung hòa cho khỏi mích lòng nhau nên gọi luôn là dâu bòn bon.
Thấy giống dâu có màu trắng sữa, ruột trong và có vị ngọt đậm đà nên ông cố tôi lấy hạt ươm được khoảng 200 cây để trồng trong vườn. Kỳ lạ thay, trong số 200 cây dâu đầu tiên ấy chỉ có 5 cây có trái thơm ngon nhất. Thế là ông nội tôi chiết cành nhân giống từ 5 cây đầu dòng ấy để lập lại vườn dâu sau này.
Nghe ông kể, cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, vườn dâu ở Lái Thiêu bị chất độc hóa học chết hết. Người dân Nam bộ tưởng đâu đã mất rồi giống dâu từng nức tiếng một thời. Không ngờ, hậu duệ của giống dâu ấy đang bám rễ rất khiêm tốn so với các loài cây khác ở Phong Điền – vốn được mệnh danh là vùng của nhiều loại trái ngọt trên đất Tây Đô. Sau này, nghe nói đến dâu người tiêu dùng nghĩ ngay đến vị chua của nó nên ít ai mua. Trái dâu có vị ngọt, giống trái bòn bon này cũng bị oan lây, nên chỉ bán được qua thị trường Cam-Pu-Chia. Dẫu vậy, ông tôi không đốn bỏ vườn dâu mà vẫn giữ gìn, chăm sóc giống cây quý. Thế rồi, dần dà người tiêu dùng địa phương biết đến trái dâu ngon. “Hữu xạ tự nhiên hương” nên trái dâu giống trái bòn bon này được người tiêu dùng xa gần ưa chuộng.
Nội tôi nói, có rất nhiều giống khác nhau như: dâu Tàu, dâu Gia Bảo, dâu Xiêm..v.v… Tất cả đều có vị chua, riêng giống dâu của vườn nhà nội ở Phong Điền lại có vị ngọt thanh, chỉ pha một chút chua dịu. Phải mất ngót gần nửa thế kỷ “làm dâu xứ lạ”, loại dâu này mới trở lại thị trường trong nước và được nhiều người biết đến với cái tên gọi mới – dâu Hạ Châu. Khoảng giữa năm 2000, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam về Phong Điền và khi được ăn trái dâu này thấy ngon, đã gợi ý đặt một cái tên để phân biệt với các loại dâu khác. Thế là ông nội tôi bèn lấy tên Hạ Châu để đặt. Tên này có nhiều ý nghĩa nhưng mọi người dễ đồng tình là dâu Hạ Châu cũng có nghĩa là dâu được trồng ở miền hạ châu thổ sông Cửu Long.
Mùa dâu chín bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, riêng dâu Hạ Châu cho trái đầu mùa phải sau mùng 5 tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 11. Khi những cơn mưa già rớt xuống vùng châu thổ cũng là lúc nhà nội tôi tất bật thu hoạch. Chị em tôi phân loại, cột lại thành chùm mới đem ra chợ.
Năm nào cũng vậy, hái lứa dâu đầu mùa là bà nội tôi chọn những chùm dâu ngon nhất để chưng trên bàn thờ gia tiên. Tôi hiểu, lúc ấy bà nội nhớ về ông cố tôi – người đầu tiên trồng giống dâu ngon cho quê hương, xứ sở. Và, câu nói “Ăn trái nhớ người trồng cây” quả đúng ngay cả nghĩa đen trong trường hợp này!
Dâu đầu mùa chưa nhiều, thương lái chưa vào tận vườn để thu mua số lượng lớn nên chị em tôi phải mang dâu ra chợ để bán. Bến sông quê gắn bó tuổi thơ tôi từ hồi còn tấm bé. Hồi trước chỉ là chiếc cầu ván và bây giờ nội tôi bắc lại chiếc cầu xi măng để nó chịu nỗi sức nặng của những chiếc cần xé khi vào mùa dâu chín rộ.
Khúc sông quê cũng quá quen thuộc với chị em tôi mỗi ngày hai lượt đi về. Những chùm dâu đầu mùa còn tươi rói chắc sẽ dễ đắc hàng dù cho đó là buổi chợ sớm hay chợ chiều. Những ngày hè rảnh rỗi, dâu chín nhiều, tôi còn đòi nội cho ra con Lộ Vòng Cung dựng một quầy trái cây nho nhỏ. Công việc này không chỉ có thêm niềm vui cho một cô gái quê mà nó còn giúp tôi có chút ít tiền để mua tập vở cho ngày tựu trường sắp đến…
Ngày hè, bạn bè tôi và cả du khách khắp nơi hay vào tham quan vườn dâu của ông nội tôi, dù ông tôi chưa mở khu du lịch. Đến đây, bạn của tôi, cũng như khách tham quan vô cùng thích thú khi được tận tay bẻ những chùm dâu sai oằn. Vừa thưởng thức cái vị ngọt thanh của dâu Hạ Châu đầu mùa mọi người còn được nghe ông tôi kể về nguồn gốc xuất xứ của loại cây quý này.
Điều lý thú hơn đối với khách tham quan là được biết thêm loài cây này có đặc tính giống đực và giống cái rất riêng biệt. Cứ trồng khoảng 10 cây dâu cái thì người làm vườn phải trồng xen một cây dâu đực. Đến mùa ra hoa thì cả hai cùng trỗ đồng loạt, nhưng khi cây dâu cái kết trái thì cây dâu đực cũng hết bông và đứng chờ một năm sau để tiếp tục làm nhiệm vụ duy trì nòi giống…
Với tôi, ký ức về vườn dâu quê mình thì đầy ắp những kỷ niệm. Còn đối với những ai từng biết hoặc mới biết về dâu Hạ Châu, xin đừng quên – cứ vào mùa hè – mùa của những cơn mưa ở miền Tây thì hãy đến với đất Phong Điền, đến với mùa dâu chín, để mà nhớ, mà yêu!
Nguyễn Thường