Chắc hẳn từ thời khẩn hoang xa xưa, do điều kiện đi lại khó khăn, nơi ăn chốn ở còn hoang sơ, thêm vào đó khí phách hồn người của những người mở cõi luôn muốn có những món ăn mới, lạ.
Ở những vùng đất còn quá lạ lẫm đối với mình. Và yếu tố quan trọng nhất có lẽ do sản vật chốn phương nam, nơi bước chân của đoàn người mở cõi dừng chân, quá phong phú – phong phú đến độ dư thừa. Cứ sau một vụ chụp đìa, hàng tấn cá đồng, đa phần là cá lóc và cá sặt, được tham gia thị trường qua những con sông, ngọn lạch; số còn lại sau khi đem phơi khô cho những mùa trái gió thì đa phần được đem làm mắm – mắm cá luôn có sẵn trong lu, khạp để dành ăn trong những dịp bất chợt, lỡ bữa chưa kịp chạy chợ. Mắm cá sẵn lu trong bếp được đem ra xé (mắm xé ngon nhất là mắm cá rô, cá sặt, mắm cá lóc mà phải là cá lóc vùng U Minh Hạ…) nhỏ vừa ăn, trộn với ít tỏi ớt đâm dập, cho thêm chút đường, vắt thêm ít nước của trái tắc cho vừa và thơm miệng khi ăn. Ớt hiểm cay bỏng hòa quyện với vị mắm sống. Bên cạnh đĩa mắm có đĩa rau đồng, xoài, chuối chát xanh, vài trái ổi chua cắt lát dùng để ăn kèm… Vị chua, chát, ngọt, cay, thấm dịu cá mắm là tổng hợp của món ăn.
Có những buổi mải mê băng đồng với những cánh diều bay no gió quên cả giờ giấc, khi nghe “kiến bò” cồn cào trong bụng, vội chạy về nhà, lao nhanh vào bếp xúc đầy tô cơm nguội và nhất thiết không được quên chặt vội trái dừa nạy lấy vài miếng sọ dừa non và cứ thế ăn với mắm sống xé nhỏ để nghe như hồn sông núi đang tụ về trong mỗi lần và cơm.
Có những lần đi làm ruộng mang theo vắt cơm cho buổi lỡ ban trưa. Khi mặt trời đứng bóng, dừng tay ngó quanh: Rau dừa, rau mác, cọng bông súng dưới mương, ngọc ngò, vài trái ớt hiểm… ưng món nào ăn bao nhiêu thì cứ bứt. Dùng tay gói nắm rau đồng, xé mắm, vắt cơm dẻo dùng ăn giữa đồng mà nghe ấm ngọt chân răng.
Đã là cư dân vùng sông nước cực nam này mà chưa một lần ăn mắm sống – cơm nguội với sọ dừa non… thì chưa nghe được hồn của đất, của nước nơi mình tồn sinh…