Lươn nướng

Quê tôi ở Phương Trà (Thống Linh) thuộc xã vùng sâu Cao Lãnh, Đồng Tháp. Du khách phương xa đến đây thường nhớ về hình ảnh con sông, dòng nước, chiếc ghe, con đò, tắc ráng, xuồng ba lá…

Người dân quê tôi chân chất, hiền lành, mến khách, cuộc sống giản dị, hài hòa bên bờ sông, ruộng lúa phì nhiêu. Món ăn dân dã với các món nướng: cá lóc nướng trui, chuột nướng lòng đất… đặc biệt lươn nướng là những món khó mà quên được!

alt

Con lươn dài, thân to bằng ngón chân cái người lớn, vàng ươm, vừa bắt được vẫn còn giãy đành đạch. Bạn có thể cứ để nguyên cả con, vuốt sơ trong nước cho sạch bùn đất, sau đó cho vào nồi chứa hỗn hợp các gia vị: hạt tiêu, ớt, sả, đường, bột ngọt, mắm, muối, dầu phộng… Đậy nắp nồi lại. Lươn sống gặp hỗn hợp gia vị này giãy giụa một hồi rồi ngay đơ. Khoảng mười lăm phút sau, khi lươn thấm gia vị, vớt ra dùng que tre xiên dọc thân lươn từ miệng đến đuôi.

Bọc quanh thân lươn một lớp lá lốt và hai lá chuối tươi, mang lên nướng trên bếp than hồng. Khi lớp lá chuối đầu tiên cháy hết, dùng muỗng tưới hỗn hợp gia vị khi nãy rưới lên thân lươn vài lần. Gia vị cùng với mỡ lươn bắt lửa kêu xèo xèo, mùi thơm xộc thẳng lên mũi. Khi lớp lá chuối thứ hai cháy hết, bóc ra lấy trọn phần thân lươn nướng lên than hồng thêm một lượt nữa. Lớp lá lốt vừa cháy sém cũng là lúc lươn vừa chín tới.

Lúc này, bạn có thể ráng “cầm lòng” mà đưa con lươn gần mũi, hít lấy hít để mùi thơm đang tỏa ngào ngạt. Chỉ ngửi thôi nhé. Rồi từ từ, bạn chậm rãi cắn một miếng thịt lươn nóng hổi. Ăn hết phần lưng, gỡ ruột lươn bỏ đi, ăn tiếp phần thịt bụng. Nướng kiểu này, lươn không bị mất máu. Phần máu đọng dưới bụng lươn được xem là rất bổ.

Món lươn nướng dành cho những buổi bạn bè, anh em bù khú, thêm ly rượu đưa cay, đặc biệt vào mùa gió về. Mộc mạc, thân thương, cuốn hút lạ! Ai đã thưởng thức món ăn này do chính “dân” Đồng Tháp chính cống làm thì sẽ nhớ mãi không quên.