Lầu Bà Cố Hỷ

Những tập tục văn hóa dân gian ở các vùng miền thường có những nét chung với cộng đồng dân tộc. Song, do rất nhiều điều kiện sống khác nhau (lịch sử, xã hội, địa dư,…) mà mỗi nơi có một sắc thái riêng trong nhận thức về nhân sinh quan và vũ trụ quan, mặt nào cũng được thể hiện khá rõ trong tôn giáo, tín ngưỡng ở nơi đó.

lauba

Con người khi đến định cư tại một vùng đất mới, ngoài việc dựng đền miếu để tiếp tục thờ cúng những vị thần linh bản địa hay thần linh của các tộc người cùng cộng cư sinh sống, khiến cho đời sống văn hóa tâm linh của họ trở nên phong phú. Và, người dân ở Trà Vinh cũng không nằm ngoài thông lệ đó.

Trà Vinh là một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều tộc người cùng cộng cư sinh sống nên đã kiến tạo tín ngưỡng dân gian rất phong phú và đa dạng, trong đó có tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương để phò hộ cho ngư dân đi chài lưới và đánh bắt ở vùng biển khơi có cuộc sống an lành, ấm no…
Trên con đường đi về phía Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) có ngôi miếu được gọi là Lầu Bà Cố Hỷ. Theo lời ông Nguyễn Ngọc Long (73 tuổi) và bà Võ Thị Phé (71 tuổi) thì Lầu Bà Cố Hỷ được xây dựng từ rất lâu đời, năm 1951 bị Pháp bỏ bom làm sập một góc Lầu Bà nên người dân nơi đây thỉnh cốt Bà về thờ gần đình Triệu Minh Công, đến năm 1954 mới thỉnh cốt Bà trở về Lầu và tiếp tục thờ cúng. Sau nhiều lần hư hỏng, năm 2008 Lầu Bà được trùng tu lại rất kiên cố và khang trang với kiến trúc một trệt, một lầu tọa lạc trong khuôn viên với diện tích khoảng 3.000m2 . Phần Lầu Bà rộng khoảng 8m x 20m gồm 2 tầng, tầng trệt thờ Bà Chúa Xứ, phần lầu thờ cốt Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương. Lầu Bà Cố Hỷ khá lớn và khang trang, sạch sẽ vì được bà con nơi đây thường xuyên đóng góp, tôn tạo, đặc biệt là trong những năm gần đây. Điều đó cho thấy rằng, Bà Cố Hỷ được người dân nơi này tôn kính, sùng bái bởi vì vị nữ thần này gắn bó với quá trình mưu sinh của họ khi đến đây lập nghiệp. Không những vậy, càng đi sâu vào tìm hiểu việc thờ Bà Cố Hỷ của ngư dân Trà Vinh thì thấy có nhiều thú vị, mới mẻ. Ở đó, tín ngưỡng này không dừng lại ở niềm tin, hoạt động cúng bái mà còn là những yếu tố lịch sử, kinh tế, xã hội của con người qua nhiều thế hệ.
Lầu Bà Cố Hỷ thờ bà Triệu Thị Trinh, truyền thuyết dân gian nói rằng: Xưa kia có 2 sắc phong cho hai anh em bà Triệu (Triệu Thị Trinh và Triệu Quốc Đạt) bị trận bão lớn từ Bắc trôi dạt vào nơi đây, nhân dân đưa 2 sắc ra biển nhưng vẫn lại trôi tấp trở vào, nghĩ sắc chọn nơi đây để ngự và làm nơi thờ tự nên người dân ở đây cử người ra Thanh Hóa và lấy kiểu đền thờ bà Triệu Thị Trinh về đây xây cất và thờ cúng. Theo tài liệu sử học thì bà Triệu Thị Trinh sinh ngày 02 tháng 10 năm 226 (Bính Ngọ) tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình hào trưởng. Bà là người phụ nữ có tướng mạo kỳ lạ, người cao lớn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có trí hơn người. Trong chiến tranh chống quân xâm lược Bà đã dũng cảm chiêu mộ nghĩa quân để đánh giặc. Với tinh thần bất khuất đó nên sau khi Bà mất được người dân suy tôn và thờ cúng. Có thể thấy tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ của người dân Ba Động là một trong những tín ngưỡng dân gian gắn với tục thờ Mẫu. Trong quá trình điền dã, một số người dân cao tuổi ở đây đã kể lại giai thoại khá thú vị và ý nghĩa về câu chuyện Bà Cố Hỷ hiển linh cứu người, cụ thể như sau: Năm đó, bọn lính Pháp đóng bót ở Trường Long Hòa và tiến hành trận càn ở Ba Động để tìm bắt Việt Minh. Trên đường đi, chúng tha hồ bắn phá, đốt nhà dân, trên bầu trời thì chúng cho máy bay ném bom tạo nên cảnh đau thương. Lúc đó, ông nội của ông Nguyễn Ngọc Long đang thắp nhang cho Bà thì có một quả bom giúp ông này thoát chết, lúc này tay của tượng Bà bị vỡ nát nên người dân mới tìm gỗ cây Quao để đắp trở lại, hiện nay tượng Bà vẫn còn một tay bằng cây quao. Từ đó, người dân càng thấy sự linh ứng của Bà.
Hàng năm, tại lầu Bà Cố Hỷ tổ chức cúng lệ hai lần vào ngày 15-16/01 và 15-16/7 âm lịch. Riêng dịp cúng lệ vào ngày 15-16/01 âm lịch được tổ chức cúng với qui mô lớn. Các hoạt động thờ cúng Bà Cố Hỷ của người dân Ba Động nhằm thể hiện sự tôn vinh và ngưỡng vọng thần linh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của con người. Lễ hội ở đây kéo dài trong 02 ngày bao gồm các nghi lễ theo trình tự chung: Nghi thức thay y cho Bà, múa bóng rỗi, nghi thức nghinh Bà, nghi thức tế tiền vãng, nghi thức tống ôn và đưa khách. Mỗi nghi thức có một chức năng và ý nghĩa văn hóa riêng. Có thể đi vào chi tiết các nghi thức này như sau:
– Nghi thức thay y cho Bà: nghi thức này được tiến hành trước ngày chánh tế, bà Từ trông coi việc nhang khói cho Bà sẽ dùng nước thơm và vải sạch để vệ sinh cốt Bà, sau đó thay y phục mới cho Bà. Y phục mới do người dân dâng cho Bà hoặc do Hội Miếu chuẩn bị.
– Nghi thức múa bóng rỗi Bà: được tiến hành vào tối trước ngày chánh tế, tức 15/01 âm lịch. Đây là phần nghệ thuật trình diễn dân gian thuộc về bà bóng múa dâng các phẩm vật cho Bà như: hoa, hương trà, múa mâm vàng, mâm bạc,… để chầu mời Bà về chứng lễ cho người dân. Nghi thức này thu hút khá nhiều người đến tham gia và thưởng thức tài nghệ của bà bóng. Tiếng trống cùng với kèn, nhạc đi theo từng nhịp múa, các động tác uyển chuyển, lắc lư dâng bông, dâng mâm tạo nên không gian sôi động và pha lẫn yếu tố linh thiêng đưa con người có cảm giác theo các động tác múa.
– Nghi thức nghinh Bà: nghi thức này diễn ra vào khoảng 12 giờ đêm. Toàn bộ Ban Quản trị Hội miếu, gồm những người dân cao tuổi, bắt buộc phải tề tựu đầy đủ, làm lễ tại chính điện miếu. Sau những hồi chuông trống, các ông chánh bái, phó bái, bồi bái thực hiện các nghi thức nghinh Bà, dâng phẩm vật đến Bà. Vật cúng bắt buộc phải là 01 con heo trắng còn sống, món Kiểm phải được nấu chung với nhiều loại thực phẩm như: khoai lang, dừa, chuối, cà tím, bí đỏ,…
– Khoảng 8 giờ sáng ngày 16 là nghi thức cúng Tiền Vãng, kế đến là người dân đến dâng vật phẩm cúng Bà và cầu nguyện. Sau đó đãi khách và thực hiện nghi thức thả tàu tống ôn ở con sông cách lầu Bà khoảng 500m. Nghi thức thả tàu này nhằm mục đích thả bỏ đi những điều không may mắn.
Hiện nay, trong lầu Bà Cố Hỷ còn lại nhiều hiện vật như: 01 tượng cốt Bà Cố Hỷ, 01 tượng Bà Chúa Xứ, 01 tượng Bà Thủy, 01 tượng Bà Hỏa, 01 cặp hạt, 03 hoảnh phi và 02 liễng đối được sơn son thiếp vàng và một lư hương bằng đá từ rất lâu. Ngày nay, việc thờ Bà Cố Hỷ không chỉ ở lầu Bà Ba Động mà ở một số miếu Bà Chúa Xứ trong tỉnh cũng phối tự thờ Bà Cố Hỷ, cụ thể như miếu Bà Chúa Xứ ở thị trấn Cầu Ngang. Trong những dịp cúng lệ hàng năm thu hút khoảng 1.000 lượt khách đến tham dự.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương là một loại hình tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của người dân ở Trà Vinh. Loại hình tín ngưỡng dân gian này như đã khẳng định, mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện niểm tin của con người vào thiên nhiên, thể hiện tính cộng đồng cao, là sợi chỉ kết nối 03 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa lại với nhau. Đây cũng được xem như một di sản văn hóa phi vật thể nên cần phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Bên cạnh đó, cần phải chỉnh trang những cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu gắn liền với lễ hội truyền thống của dân tộc để phục vụ cho việc phát triển du lịch ở Trà Vinh hiện nay.