Phần mộ Bác Ba Phi nằm giữa hai ngôi mộ của Bà Ba Lữ và bà Chăm tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh hạ.
Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi (1884 – 1964) tại rừng U Minh hạ. Ông vốn là một nông dân tại huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, vốn có khiếu kể chuyện rất phong phú và đặc sắc được nhiều người yêu thích.
Ông sinh năm 1884 tại tỉnh Đồng Tháp, do gia đình quá nghèo nên từ nhỏ phải đi cày thuê để nuôi 8 người em nhỏ. Khi 15 tuổi mẹ ông qua đời, ông trở thành một lao động chính trong nhà. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn, nhưng đến ban đêm ông thường tham gia tụ họp đờn ca. Ông được bà con trong xóm mê tiếng ca và nể tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái. Đặc biệt là những câu chuyển kể và cách kể chuyện lôi cuốn người nghe của ông.
Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế – một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản Tế hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải làm công trong ba năm. Nhờ sức chịu thương chịu khó, nên sau ba năm thì ông cưới được vợ. Cũng do điều này mà Hương quản Tế rất yêu thương người con rể này và đã cắt chia cho vợ chồng Ba Phi khá nhiều đất. Cộng với sự cần cù sẵn có, ông đã ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.
Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời. Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai – cháu đích tôn của bác Ba Phi – tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng. Và cũng có thành ngữ “Tệ như vợ (thằng) Đậu” được dùng để chỉ những người vụng về.
Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái.
Bác Ba Phi qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1964 tại rừng U Minh Hạ, nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách.