Nói đến đặc sản Hậu Giang thì không thể bỏ qua khóm Cầu Đúc, Hậu Giang được. Khóm Cầu Đúc Hậu Giang đã vang danh khắp trong và ngoài nước nhờ chất lượng, hương vị hơn hẳn cây khóm trồng ở các vùng miền khác. Cây khóm không những giúp người dân nơi đây no ấm mà hiện còn được xem là cây giảm nghèo.
Khóm Cầu Đúc là giống khóm Qeen. Khi vùng quê này có cây cầu đúc xi măng đầu tiên, bà con phấn khởi gọi vùng đất của mình là xóm Cầu Đúc. Và cây khóm cũng nhanh chóng được đặt tên là khóm Cầu Đúc cho tới ngày nay.
Khóm Cầu Đúc có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi, trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi có hố mắt hơi sâu, thịt thì có màu vàng đậm, ăn giòn và ngọt.Thời gian để thu hoạch khóm là vào cuối tháng hai đầu tháng ba âm lịch hằng năm. Trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10 -15 ngày mà không bị thối.
Khóm Cầu Đúc xuất ra thị trường được chế biến thành nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế như: nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga…Lá khóm tưởng là thứ vứt đi nhưng cũng được dùng để chế biến thành sợi, bột giấy; còn bã khóm thì làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc.
Ngoài ra, trái khóm còn là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị đồng quê như: canh chua khóm nấu với cá rô đồng, thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, hay khóm kho với cá trê, cá he, cá mè vinh…
Nhà nào có được 20 công khóm, thì mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Tuy không có một lúc, nhưng khóm gần như cho trái quanh năm, nên bà con luôn có đồng ra, đồng vô ổn định. Người trồng khóm vùng này không mau giàu, nhưng chẳng đến nỗi khó khăn. Có hộ chỉ được 5-7 công, nhưng nhiều hộ có tới 50-60 công khóm.