Khô rắn là một trong những đặc sản ngon của miền Tây, tuy nhiên không phải ai cũng dám thử qua các món ăn được làm ra từ nguyên liệu này.
Miền Tây vùng đất của những đặc sản nổi tiếng. Nơi đây có khung cảnh đẹp, con người thân thiện tất cả đều được biết đến với những sự yêu mến của du khách gần xa. Ẩm thực chính là một trong những điểm mạnh của vùng đất này với món khô rắn độc đáo, lạ miệng mà thơm ngon
Vào thời điểm mùa nước nổi tại Miền Tây đa phần các loại rắn như rắn nước, rắn bông sinh sản rất mạnh. Rắn được bắt về nhiều quá, ăn không hết cho nên người dân nơi đây đã chọn cách là làm khô thịt rắn để bảo quản được lâu hơn.
Rắn mang về được cắt tiết, lột da, róc xương lấy thịt. Sau đó, nguyên liệu được ướp gia vị theo tỷ lệ gia truyền tùy từng nhà rồi cán mỏng thành từng miếng dẹt, đem phơi dưới nắng chừng 2 đến 3 ngày. Khâu phơi rất quan trọng, quyết định tới độ tươi ngon của thành phẩm. Nếu không may mẻ khô gặp phải thời tiết âm u dễ bị chua.
Những mảng thịt khô rắn sau này sẽ được người ta đem ra chế biến thành nhiều các món ngon khác nhau. Một mẻ khô rắn đạt tiêu chuẩn nhất thiết thịt khi khô phải dai, từng thớ thịt cũng phải kết kính chặt thành một khối, màu sắc tươi..
Nổi tiếng nhất về khô rắn là xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nơi có các lò chế biến khô rắn độc nhất miền Tây mà ít ai dám “bén mảng” đến. Mùa mưa lũ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, các hộ làm nghề ở đây sẽ tập trung sản xuất, cho ra những mẻ khô rắn và các sản phẩm làm từ rắn.
Có nhiều cách thưởng thức khô rắn nhưng phổ biến và đơn giản nhất là làm gỏi cùng xoài xanh, cóc chua hoặc lá sầu đâu. Khô rắn nướng chín, bên ngoài hơi xém còn bên trong ngọt tự nhiên, thơm lừng khi làm gỏi sẽ là mồi nhậu hấp dẫn của cánh đàn ông.
Tuy là món đặc sản ngon nức tiếng ở miền Tây nhưng nhiều người vẫn không dám thử bởi bị ám ảnh về vẻ ngoài trơn tuột đáng sợ của những chú rắn lúc còn sống. Giá 350.000 đồng cho một kg khô rắn.