Đó là món ăn rất thú vị của miền Tây mà không phải ai cũng đã từng được nếm, được thưởng thức với đầy đủ ngũ vị chua, cay, thơm, ngọt và mằn mặn.
Khế sau khi rửa sạch được bào thành từng sợi mỏng, rồi bóp sơ với muối cho bớt độ chua và đắng chát. Loại khô dùng để trộn gỏi có thể tùy theo ý thích, như khô cá sặc rằn, khô cá lóc, khô cá bổi, khô cá kèo… Những loại khô quen thuộc của vùng đất phù sa màu mỡ miền Tây.
Khô được chọn để làm gỏi không được quá mặn mà chỉ vừa đủ độ mằn mặn cần thiết. Sau khi được nướng chín tỏa mùi thơm nức mũi, khô được xé thành từng sợi dài vừa gắp. Ngoài ra còn có thể có thêm tôm khô, mực và đậu phộng tùy theo sở thích. Cộng thêm một chút đường, một vài trái ớt hiểm,một chút chanh, hành lá và một nắm rau răm vườn nhà. Vậy là thành một món gỏi khế ngon lành.
Gỏi khế cá khô đồng thường được ăn với cơm nóng hoặc nhâm nhi với rượu nếp trong những khi họp mặt. Gắp một miếng gỏi chấm vào chén nước mắm tỏi ớt, vị thơm thơm của khế, vị mằn mặn của cá khô, vị ngọt ngọt chua chua đặc trưng của gỏi và vị cay xè của tỏi ớt như thấm nhuần vào cả tâm hồn.
Buổi chiều được ngồi nơi bờ sông lồng lộng gió, một đĩa gỏi khế cá khô đồng, một chai rượu nếp, được nghe đờn ca tài tử, khó có ai có thể chối từ được sự giản dị nhưng độc đáo của ẩm thực và sự tận tình, chu đáo của người miền Tây.
Nếu có dịp xuôi về nơi sông nước hiền hòa, bỏ qua những xa hoa lộng lẫy của phố thị, bạn hãy thử món gỏi khế cá khô đồng. Có lẽ món ăn này không thể sánh bằng những món ăn đắt tiền trên phố, nhưng bạn sẽ mãi thòm thèm. Không chỉ là đơn giản là thèm món gỏi khế đưa hương lạ miệng, mà còn ở sự yên bình chân chất của một nét quê.
Nguyễn Thị Tường Linh
Liên quan:
– Rau chột choại
– Chuối tá quạ