Dù kê – loại hình kịch hát dân tộc độc đáo của đồng bào Khmer được hình thành lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại Cà Mau, đồng bào Khmer mê dù kê giống như người Kinh yêu thích sân khấu cải lương.
Mệt nhoài sau mười đêm ròng rã lưu diễn ở vùng sâu, vùng xa phục vụ lễ Sen đôl-ta của đồng bào Khmer, nhưng Đội trưởng Thông tin – Văn nghệ Khmer (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau) Nguyễn Văn Tri vẫn thu xếp thời gian tiếp chuyện với chúng tôi. Anh Tri nói, chương trình văn nghệ đợt lưu diễn vừa qua, đồng bào Khmer đến xem khá đông, nhưng chưa hài lòng vì thiếu tiết mục dù kê. Hỏi trích đoạn Lưỡi gươm oan nghiệt, sao không mang ra phục vụ, anh Tri thú thiệt: “Trích đoạn ấy bà con thuộc lòng, diễn tới diễn lui hoài thấy mắc cỡ. Còn tuồng dù kê Hương sắc tình quê mới dàn dựng, không diễn được bởi thiếu diễn viên”.
Biết nhau đã lâu, nhưng mỗi lần nhắc tới sân khấu dù kê ở Cà Mau, tôi thấy anh Tri trăn trở lắm. Từng tham gia ở Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Minh Hải cũ, anh Tri biết rõ đồng bào Khmer Cà Mau đam mê dù kê đến nhường nào và cũng biết nhiều về quá khứ, thăng trầm của sân khấu dù kê nơi đây. Theo anh, tinh túy nhất của dù kê là kết quả giao thoa văn hóa của ba dân tộc. Bởi ngoài động tác múa đặc trưng của người Khmer, dù kê còn kết hợp cả làn điệu dân ca của người Hoa và kỹ năng thiết kế sân khấu cải lương của người Kinh. Dù kê có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần, không gói gọn trong cộng đồng Khmer ở các phum, sóc.
Anh Tri kể, hồi sau giải phóng năm 1975, ở miệt Thới Bình của Cà Mau, có ít nhất bốn đoàn dù kê diễn phục vụ đồng bào Khmer những dịp lễ, Tết. Những đoàn ấy không chuyên nghiệp, chỉ hát cương (tự hát, tự diễn) nhưng có cốt truyện rõ ràng, vở diễn mang tính xây dựng, giáo dục… Đến năm 1979, các đoàn tự giải tán do các diễn viên nòng cốt gia cảnh khó khăn, phải giải nghệ đi làm mướn mưu sinh. Khi ấy, Minh Hải chỉ còn đoàn Samaky. Năm 1997, Minh Hải chia tách thành hai tỉnh là Cà Mau và Bạc Liêu, toàn bộ lực lượng nòng cốt của đoàn Samaky rút về Bạc Liêu hoạt động. Vậy nên, Cà Mau không còn đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nào phục vụ dù kê cho đồng bào Khmer. Đến năm 2005, tỉnh Cà Mau thành lập Đội Thông tin – Văn nghệ Khmer, loại hình dù kê mới manh nha trở lại nhưng còn mang tính chắp vá. Và trong suốt một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân, đội chỉ có duy nhất một trích đoạn dù kê Lưỡi gươm oan nghiệt.
Tới năm 2013, đội thuê người dàn dựng được tuồng dù kê đầu tay Hương sắc tình quê, dự Liên hoan Dù kê lần đầu tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Lần ấy, có mười đơn vị tham dự, quy mô cấp đoàn nghệ thuật, duy nhất chỉ có Cà Mau là cấp đội, nhưng kết quả rất ấn tượng, khi đội nằm trong tốp bốn, đoạt giải bạc toàn đoàn (liên hoan ấy không có đơn vị nào có giải vàng). Ấn tượng hơn, tại liên hoan ấy, đội Cà Mau nhận giải “Dàn nhạc xuất sắc”.
Niềm vui không trọn vẹn bởi dịp Tết Chol Chnam Thmay năm ấy, đồng bào Khmer Cà Mau chưa được thưởng thức tuồng dù kê mới. Lý do, một số diễn viên thuê bên ngoài, đội Cà Mau không có kinh phí hợp đồng tiếp. Những thiếu thốn ấy càng thôi thúc để lãnh đạo đội và lãnh đạo quản lý của sở, của tỉnh quan tâm nhiều hơn, bằng mọi giá đưa sân khấu dù kê phục vụ rộng rãi quần chúng nhân dân.
TRƯỚC khi đoạt giải cao ở liên hoan dù kê tổ chức tại Sóc Trăng, đội Cà Mau dàn dựng chương trình, tham gia Ngày hội Văn hóa Khmer Nam Bộ được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long và đều đạt nhiều giải cao. Những thành tích ấy càng củng cố lòng tin để lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Cà Mau mạnh dạn phê duyệt đề án “Nâng cấp Ðội Thông tin – Văn nghệ Khmer Cà Mau” thành “Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau”.
Diễn viên Lưu Thị Thảo, thành viên của đội vừa tốt nghiệp Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh chia sẻ: “Chú Tri rất nghiêm khắc trong chuyên môn, đặc biệt khi diễn xuất dù kê. Chú dạy, đã làm nghệ thuật phải làm cho tới, cho chuẩn, không sẽ phụ lòng người ái mộ”.
Theo đúng lộ trình, cuối năm 2015, Đội Thông tin – Văn nghệ Khmer sẽ thành Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau. Khi ấy, không chỉ kinh phí hoạt động tăng mà biên chế sẽ nâng lên 35 người, thay vì 14 biên chế như hiện nay. Và tới đây, Đội phối hợp Trường trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức múa dân tộc, kỹ năng biểu diễn dù kê và âm nhạc dù kê cho lực lượng diễn viên, cộng tác viên. Về lâu dài, công tác đào tạo nguồn, phát triển lớp diễn viên kế thừa, góp phần gây dựng sân khấu dù kê ở Cà Mau từng bước ổn định và vững mạnh, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer. Với những giá trị truyền thống độc đáo và đặc sắc, dù kê đang được trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.