Đốt đèn ban đêm bắt nhộng ve sầu – món đặc sản miền Tây

Ve sầu có 3 lần lột xác trong đêm và để bắt được nhộng ve, tức là loại ngon nhất, người dân phải canh đúng thời gian để đi ra vườn bắt nhanh. Nhộng ve sầu khi chế biến có hương vị thơm thơm từ sữa, không dai như món ăn từ các loài côn trùng khác.

Cù lao Tân Qui nằm ở địa bàn xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) là nơi duy nhất ở miền Tây được biết đến với tên gọi xứ sở ve sầu. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì nơi đây có nhiều đàn ve sầu sống tập trung ở các vườn cây ăn trái.

Ve sầu là một loài côn trùng chỉ xuất hiện nhiều vào mùa hè (cuối tháng 2 đến khoảng tháng 5 âm lịch) hàng năm. Người dân thường không bắt ve trưởng thành lâu ngày chế biến món ăn mà chỉ bắt khi nó ở giai đoạn nhộng (thân mềm, màu xanh) để chế biến. Nhộng ve sầu được xem như là một đặc sản quý hiếm.

ve sầu

Ấu trùng ve sầu sống ở dưới đất, hút nhựa rễ cây sống, đến mùa, vào ban đêm, ấu trùng sẽ chui lên mặt đất, bò lên thân cây cách mặt đất từ 0,5 – 1m rồi dừng lại, tiến hành lột xác trở thành nhộng ve (quá trình lên khỏi mặt đất và tiến hành lột xác diễn ra từ 1 – 2 giờ). Sau đó, nhộng ve sẽ lớn dần và bay lên sống trên tán cây (đời sống ve sầu trên cây chỉ kéo dài khoảng từ 40 đến 60 ngày).

Ông Nguyễn Văn Phụ – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú Tân cho biết, ve sầu chỉ chọn vườn măng cụt hoặc chôm chôm để sinh sống. Bởi 2 loại cây trồng trên được bố trí bờ liếp cao, không bị ngập úng khi vào mùa mưa. Theo đó, các ấu trùng ve có nơi trú ẩn và tồn tại nhiều năm dưới lòng đất.

“Ve sầu có 3 lần lột xác trong đêm, từ 7-8 giờ, từ 9-10 giờ và từ 1-2 giờ sáng. Vì vậy, để bắt được nhộng ve, tức là loại ngon nhất, người dân phải canh đúng thời gian trên đi ra vườn bắt nhanh, nếu không nhộng ve sẽ phát triển nhanh đôi cánh, bay lên tán lá khó bắt. Do đầu mùa nên ve rất hiếm, từ 4.000-5.000m2 vườn cây ăn trái mới có thể bắt được khoảng 1 kg nhộng ve sầu” – ông Phụ nói.

1460683907-anh-1