“Rủ nhau lên đất bảy làng Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương Choại chột thì chấm nước tương Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm” |
Ở vùng nước ngọt nhiễm phèn nhẹ như Vị Thanh, Long Mỹ (Hậu Giang) cũng có sự hiện diện của choại. Loại rau có lá non xoăn tít như con cuốn chiếu cuộn mình này, dù hơi nhớt và làn lạt nhưng cũng có chút vị ngọt thoảng thơm, đơn giản vậy mà ăn rồi sẽ “bắt ghiền”!
Đến thành phố Vị Thanh, vô một số nhà hàng sẽ được thưởng thức một vài món làm từ đọt choại vườn, như: đọt choại nhúng lẩu cá ngát, cá hồi… Nhưng ăn như vậy chẳng lấy gì làm thú vị, bởi đã quá bước tới đây rồi thì chịu khó đi bứt choại một bữa cho thỏa thuê mơ ước. Lần theo những bụi tre, liếp dừa, trong vườn cây tạp, dọc mé sông, bạn sẽ bắt gặp choại mọc chen trong đó.
Loại choại vườn này thường thấy dọc theo quốc lộ 61 từ thành phố Vị Thanh đến ngã ba Cái Tắc và ở huyện Long Mỹ. Trong chốc lát, bạn đã có một giỏ đầy đọt choại xanh nõn, tươi non.
Về nhà, món đọt choại đơn giản nhất là ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm đều ngon. Luộc đọt choại xong đừng quên giữ lại nước.Nước này dằn chút muối, bột ngọt sẽ trở thành món canh nóng hấp dẫn, ấm bụng sau bữa cơm thú vị. Nhưng “đã đời” hơn là khi ăn sống hoặc luộc đọt choại kèm với cá thác lác cườm đặc sản Hậu Giang chiên, cá rô chiên, hoặc cá lóc nướng trui sẽ vô cùng thích thú.
Đọt choại giòn mềm làm giảm sức nóng miếng cá chiên, quyện trong nước bọt tạo thành những hương vị lạ lùng khó diễn tả. “Cao cấp” hơn một chút, người ta dùng đọt choại xào tép. Lựa một mớ tép bạc rửa sạch, lột bỏ vỏ xào chung với đọt choại, nếm vừa ăn là có một bữa ăn nhanh, ngon, bổ, rẻ và an toàn, vì đọt choại là “rau sạch”.
|