Nằm cách thị trấn Trà Cú khoảng 5 km về hướng Tây Nam, thuộc ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú. Di tích được khai quật cuối năm 1986 và được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1991. Đây là một kiến trúc cổ bằng gạch có bình diện hình chữ nhật dài 31,20 m theo hướng Đông Tây, rộng 17,20m theo hướng Bắc Nam. Cấu tạo kiến trúc gồm hai phần chính: kiến trúc bên ngoài và kiến trúc bên trong.
Kiến trúc bên ngoài gồm: tường móng kiến trúc bao ngoài, tường móng kiến trúc bao trong và những khối trụ hình vuông. Kiến trúc bên trong gồm: kiến trúc bên ngoài và kiến trúc trung tâm.
Kiến trúc được xây dựng bởi trình độ kỹ thuật khá cao với nhiều loại gạch: gạch hình chữ nhật, hình tam giác, hình thang, hình khuyết có dạng một vai hoặc hai vai, gạch có đầu cong nhọn về một bên,… Một số viên chạm hình kỹ hà, hình cánh hoa, hình hổ phù. Có thể nói đây là một ngôi đền Bà La Môn đẹp được kiến tạo và tồn tại.
Từ chất liệu kiến trúc, phong cách nghệ thuật, di vật, chỉ số niên đại C.14 cho ta biết được di tích Lưu Cừ II được thiết lập và tồn tại vào những thế kỷ đầu công nguyên. Cùng thời gian này, trên vùng hạ lưu sông Mê Kông là thời kỳ hình thành và phát triển một nền văn hoá cổ nổi tiếng – Văn hoá Óc Eo.