Kinh tế khó khăn, dân công sở đổ xô săn lùng đặc sản các vùng miền làm quà biếu Tết sếp và họ hàng thay vì những món quà xa xỉ như rượu ngoại, bánh kẹo, hoa quả nhập khẩu như mấy năm trước.
Đặc sản vùng cao lên ngôi
Tết năm nay bị giảm lương, giảm thưởng, gia đình chị Thúy (Mỹ Đình, Hà Nội) phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu cho Tết. Nhưng riêng khoản quà biếu sếp và họ hàng thì vẫn phải có vì “năm nào cũng biếu, chẳng lẽ năm nay không”. Chị chỉ còn cách chọn mua quà phù hợp với quỹ tiền mình có.
“Năm nào mình cũng dành khoảng 30% tổng tiền tiêu Tết cho khoản quà biếu Sếp và họ hàng. Năm nay thu nhập kém nên 30% chỉ được 7 triệu thôi. Tính biếu sếp mình 1,5 triệu, sếp chồng 1,5 triệu, cô giáo con 500 ngàn, còn 3,5 triệu cho quà nội ngoại, họ hàng. Vào siêu thị thấy giỏ quà vài trăm đến 1 triệu lèo tèo quá nên thôi.
Thấy sếp mình (là nữ) đang hỏi nơi mua thịt trâu gác bếp để ăn Tết, mình mới nảy ra là mua biếu sếp luôn. Mình tìm mua của một bạn trên mạng chuyên bán đặc sản Lào Cai nên mua số lượng nhiều được giảm giá, loại ngon là 750 ngàn/kg. Biếu sếp mình 1kg thịt trâu gác bếp + 2 kg hạt dẻ, tính ra chỉ hết 850 ngàn. Sếp chồng biếu 1 kg thịt trâu + 2 lít rượu San Lùng cũng đặc sản Lào Cai hết 900 ngàn. Cô giáo con và họ hàng nội ngoại mình cũng biếu mỗi nhà 0,5kg + hộp bánh mứt. Thịt trâu khô nên ăn dôi lắm, gói gém đẹp đẽ nhìn cũng chả thua kém gì giỏ quà mua siêu thị”, chị chia sẻ.
Tính ra quà biếu của chị chỉ ngốn hết 6,2 triệu đồng, ít hơn so với quỹ dành cho khoản này là 7 triệu. “Phần thừa dành nhà mình ăn Tết luôn”, chị chia sẻ.
Anh Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang nhờ người tìm mua lợn cắp nách để dùng vào dịp Tết này. Anh tính nếu mua được, cận Tết sẽ nhờ người mổ, rồi biếu sếp một nửa, một nửa giữ lại gia đình mình dùng luôn.
“Sếp mình là người sành ăn nên nếu mua được lợn mán thật biếu sếp thì sếp thích lắm. So với chai rượu ngoại và quà bánh nhập khẩu năm ngoái thì chi phí cho khoản quà biếu này chỉ bằng 2/3”, anh cho biết.
Chị Hoa (quê Lào Cai, làm việc ở Hà Nội) cho biết năm nào bố mẹ chị cũng làm thịt lợn gác bếp và lạp xưởng để ăn Tết. Thấy nhiều người hỏi mua thực phẩm này để ăn Tết, chị liền gọi điện về nhà bảo bố mẹ làm nhiều hơn mọi năm để bán luôn.
“Định bán thử Tết này xem sao, không ngờ vừa rao các chị cơ quan mình đã đặt hàng hết. Năm sau có khi cận Tết nhận đặt hàng sớm cho bố mẹ làm để kiếm thêm thu nhập”, chị chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, các món ăn đặc sản vùng cao như thịt trâu gác bếp, thịt lợn mán, lạp xưởng,…là những món được nhiều người săn tìm trong những ngày cận Tết. Ngoài ra, đặc sản của các vùng miền, các món ẩm thực nổi tiếng như cá kho làng Vũ Đại, chả mực Quảng Ninh, nước mắm cao đạm Phú Quốc, nem chua nướng Thanh Hóa, hạt dẻ rừng Sa Pa…cũng được nhiều người quan tâm khi lựa chọn quà biếu Tết.
Quà quê mà vẫn sang
Nắm bắt được tâm lý khách hàng và xu hướng quà Tết năm nay, nhiều cửa hàng chuyên bán đặc sản các vùng miền cũng chú tâm vào khâu quảng bá và đóng gói sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.
Chị Dương, bán thịt trâu sấy, thịt trâu gác bếp Lào Cai cho biết, bình thường chị chỉ đóng túi nilong hoặc bọc giấy báo cho khách mua lẻ. Nhưng dịp Tết này nhiều người hỏi hộp để mang đi biếu tặng, nên chị cũng mua hộp về để ai có nhu cầu thì đóng. “Quà biếu nên người ta trọng hình thức”, chị nói.
Tâm lý của những người đi tặng quà thường cho rằng quà biếu sếp thì phải đắt, sang trọng mới phù hợp với “vị thế” của sếp. Tuy nhiên, những người được nhận quà lại nghĩ khác.
“Trong số những món quà chồng tôi được biếu năm ngoái, tôi thích nhất là quà của một người quê miền núi phía Bắc thì phải, một con gà, 3 kg gạo nếp nương và 1 kg hạt dẻ cười. Tính ra thì chả bằng bao nhiêu so với chai rượu ngoại hay giỏ quà đầy bánh kẹo nhập khẩu của những người khác nhưng tôi vẫn thích hơn. Các món đó vừa dân dã, vừa ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm”, chị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.