Chùa có tên Giông Lớn (thuộc địa phận xã Ðại An, huyện Trà Cú, nhưng dân gian quen gọi là chùa Cò vì có rất nhiều cò cùng với các loại chim khác đến đây cư trú. Từ vùng đất La Bang xã Ðôn Châu nổi tiếng với chiến công lẫy lừng của tiểu đoàn 307, ô tô chạy chừng mươi phút là tới Ðại An. Ngôi chùa Cò xinh đẹp tọa lạc trên diện tích chừng 5 ha, giữa một vườn cây xanh um tùm.
Từ ngoài đường cái đã nghe rộn vang hàng reo vui xao xác của cò cùng các loài chim. Cò đậu trên cây. Cò bay trên trời. Cò thản nhiên đi lại ngay trên đường bay dưới chân các bờ rào, bờ giậu. Những rặng tre trăm cây kẽo kẹt đung đưa dưới nắng điểm trắng những thân cò. Từ cổng ngách của chùa mở ra cánh đồng có tới hơn ba mươi tổ cò. Nhìn lên, sẽ thấy lũ cò con nhao đầu khỏi tổ lũ cò mẹ đang bay về, lũ cò bố lượn quanh ríu rít. Tiếng kêu xao xác bầu trời!
Chùa Giông Lớn được xây dựng từ năm 1677, tới nay đã có 13 nhà sư trụ trì. Vị sư trụ trì hiện tại có tên là Nhịp Thượng, đã 86 tuổi. Dưới nhà sư trụ trì có hai vị Cả Nhì. Tiếp đến là 21 vị Tuy Keo. Tiếp nữa là 15 vị Sa Nhi. Ðiện chính của chùa cổ kính, mang nét văn hóa truyền thống Khơ me với hình tượng các vũ nữ khỏe mạnh. Mặt trước và sau điện đều có những cây hoa chăm pa tạo vồng mâm xôi xếp hàng. Dạo quanh chùa, nghe xôn xao tiếng chim, tiếng gió, trước khung cảnh tôn nghiêm mà không cô liêu, thành kính mà vẫn gần gũi, du khách cảm thấy ấm áp và thư thái lạ thường. Một đàn bồ câu quẩn quanh chân. Một đàn cò thanh thản bay về. Một đàn vạc tung cánh bay đi. Rồi mồng két chớp cánh. Rồi sáo sậu chuyền cành. Rồi sẻ đá nhẩy nhót. Ai đã tới đây đều thấy người và cảnh chan hòa, bồng bềnh, khi hiển hiện ngay trước mắt lúc lại hư ảo như ở chốn bồng lai. Tôi bước vào quán nhỏ, trước cổng có cô bán hàng vui vẻ và một nhà sư sau này mới biết tu hành đã tới bậc Tuy Keo.
Vị Tuy Keo cởi mở giới thiệu với tôi về điện chính trang nghiêm, về Tịnh xá (có nghĩa như trường học) và Tha la, nơi đón khách thập phương về dự lễ hội có nhu cầu nghỉ lại. Thấy tôi thích cò, vị Tùy Keo cho biết: “Cò ở đây có từ lâu lắm rồi! Cò quăm là giống lớn nhất, có con nặng tới ba cân. Thứ đến cò giang. Thứ nữa là cò và. Ngoài ra còn có vạc cồng cộc mầu nâu đen, bồ câu, sáo, sẻ, mòng két. Ðặc biệt bồ câu ở đây là bồ câu tự do. Chúng có từ ngày tôi mới tới chùa và chỉ quanh quẩn ở đây chứ không đi đâu cả”.