Câu đố ở Đồng bằng sông Cửu Long

Câu đố là một dạng thức sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nó phản ánh tâm tư tình cảm, thể hiện nhu cầu mong muốn thỏa mãn tri thức, nhu cầu được vui chơi, giải trí của tầng lớp nhân dân lao động. Câu đố là một dạng sáng tác phản ánh các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan giữa vật đố (lời giải) với vật được miêu tả (câu đố). Sự liên tưởng trong câu đố thường bất ngờ, dí dỏm và mang nhiều màu sắc khác nhau.

Cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long xưa trong quá trình lao động mệt nhọc, họ ngoài việc đờn ca, hò hát, sáng tác ca dao, còn đặt ra câu đố. Những câu đố này đã làm cho tri thức của con người không ngừng được nâng lên, đồng thời cũng giúp họ giải khuây trong quá trình lao động mệt nhọc. Đặc biệt, trong kho tàng câu đố ở Đồng bằng sông Cửu Long, câu đố được thoát thai từ ca dao khá nhiều. Người ta hay đặt câu đố trên cái nền của ca dao, hoặc là đặt câu đố theo hình thức của ca dao làm cho câu đố vần hơn, dễ thuộc hơn, hay hơn, giúp người ta dễ nhớ hơn. Điều này cũng chứng tỏ khả năng quan sát tinh tế, trí tưởng tượng độc đáo và cách vận dụng linh hoạt các thể thơ dân gian trong hệ thống câu đố của người dân lao động xưa:

Gươm vàng hai lưỡi gươm vàng
Thác thì chịu thác, chứ buông nàng không buông.
(Con Sam)

Năm thằng cầm hai cái sào
Đuổi đàn trâu trắng chui vào trong hang.
(Ăn cơm)

Cây gì có quả không hoa
Vì chưng không lá chê già, chê non.
(Cây cân)

Thân ta không mẹ không cha
Vốn không họ hàng, ở nhà người dưng.
(Cây chùm gửi)

Người dân lao động xưa ở Đồng bằng sông Cửu Long rất mê truyện Tàu. Vì vậy, từ tư tưởng, điều nhân nghĩa đến tên các nhân vật trong tiểu thuyết Tàu đều hết sức quen thuộc đối với người dân nơi đây. Chẳng những trong ca dao, hò, vè, mà ngay cả câu đố ta cũng thường bắt gặp các câu chữ Hán, những cái tên thường mang ý nghĩa có tính cách nhân vật tiểu thuyết, như Khổng Minh thì tượng trưng cho chính nghĩa, Tào Tháo là phi nghĩa…

Trên thì Gia Cát cầu phong
Dưới thời lập trận hỏa công đánh Tào
Hai bên tả hữu xông vào
Đánh cho tào chạy ngã nhào xuống sông.
(Lò rèn)

Vô thủ, vô vĩ, vô nhĩ, vô tâm
Chốn ở sơn lâm hay ăn thịt sống.
(Cái thớt)

Gió lao xao trông ngọn thảo lay
Ban ngày dạo chốn tiền đài
Tối lại nằm kề vách ngọc
Bởi thương chúa nên thân tôi cồi cộc
Gẫm mình tàn còn một nắm xương
(Cây chổi)

Phần lớn các câu đố ở Đồng bằng sông Cửu Long xưa thường xoay quanh các sự vật, hiện tượng có liên quan đến đời sống hằng ngày của con người. Đó là những công việc hàng ngày, những đồ dùng quen thuộc, những hàng cây xung quanh mình, những bờ rau, bụi cỏ…

Đầu rồng đuôi phụng loe hoe
Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con.
(Buồng cau)

Thân em ở bụi ở bờ
Chồng con không có mà nhờ tiếng kêu.
(Rau má)

Ông già ngồi cạnh bờ sông
Có trăm con mắt mà không thấy đường.
(Trái khóm)

Một cột mà chín mười kèo
Vải xanh vải đỏ mà treo bốn bề.
(Cây dù)
Tròn tròn như lá tía tô
Rớt xuống ao hồ đầu ướt đuôi khô.
(Cái vá)
Chặt đầu nối nghiệp tổ tiên
Ép mỡ lấy dầu, xương thịt bỏ đi.
(Cây mía)

Hiên ngang mà đứng giữa đồng
Cầm cờ tập trận, rộn ràng tiến quân.
(Người chăn vịt)

Người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long xưa sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mà cuộc sống nông nghiệp thì phụ thuộc rất nhiều vào các hiện tượng tự nhiên. Vì vậy, các hiện tượng tự nhiên đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân nơi đây, phản ánh khá rõ trong các câu đố dân gian:

Cây cao ngàn trượng, lá rụng tứ tung
Nấu thời được, nướng thời không.
(Trời mưa)
Thoạt đẻ thì mọc hai sừng
Đến khi lưng chừng thì ễnh bụng ra.
(Trăng đầu và giữa tháng)

Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng
Bắc cầu hoa lý, nằm ngang giữa trời.
(Cầu vồng)

Đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long, có những sự vật, sự việc, hiện tượng lại được nêu thành nhiều câu đố khác nhau. Chẳng hạn:

Cùng nói về mặt trăng thì có:
– Trên trời như lá tía tô
Đi biển, đi hồ nó cũng đi theo.

– Có ai mặt đẹp như hoa
Từ bên nước Sở sang qua nước Tần
Mười lăm, mười sáu thì về
Từ ba mươi tuổi chẳng hề vãng lai.
Cùng nói về cây xương rồng:
– Sanh ở đất, danh ở trời
Thịt da không có, sống đời cổ kim.

– Danh tôi vốn ở trên trời
Sanh ra cái cốt ở nơi dương trần.
Cùng nói về cây dừa:
– Cha mẹ có tóc, để con trọc đầu
Cha mẹ sống lâu, để con chết chém.

– Một cột nhà mà chín mười kèo
Chồng thì không có mà đeo cả đùm.

Đặc biệt, người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đặt ra những câu đố hết sức bóng bẩy, mang tính trí tuệ từ các vật bình thường. Dạng câu đố này đòi hỏi người giải phải thông minh, nhanh nghĩ và đặc biệt là phải có tri thức mới mong giải được:

Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo, đụng giường mẹ hay
(Bánh bò)

Hỏi người ngồi dựa loan phòng
Tóc mây dợn sóng có chồng hay chưa?
(Bánh hỏi)

Dĩnh dịch tròn tròn, khô dòn ướt dẻo
Dù còn tí tẹo, cũng cho rằng nhiều
(Bánh đa)

Sông tròn vành vạnh, núi lạnh như tiền
Con gái nhà tiên, đâm đầu mà lặn
(Bánh trôi nước)

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long có một kho truyện tiếu lâm rất phong phú. Dấu ấn tiếu lâm này còn thể hiện rõ qua những câu đố tục. Sự liên tưởng của con người xoay quanh các vấn đề sinh lý, khiến trong câu đố có yếu tố tục. Xu hướng này có một nguồn gốc xã hội như tiếu lâm, tuy nhiên không mang nội dung xã hội mà thường chỉ có tác dụng gây cười. Hình tượng câu đố trở nên tinh nghịch, hấp dẫn, đặc biệt bất ngờ khi các câu đố rất tục lại có lời giải hết sức thanh:

Con ai trắng tựa như ngà
Đem ra mà tắm giữa sông giang hà
Tắm rồi phải cởi áo ra
Mình trắng như ngà, đầu đội nón xanh.
(Cây giá)

Hai tay nắm lấy hai tay
Trèo lên cái bụng, hai chân chòi chòi.
(Đạp xe)

Phận em là gái cô bác ơi
Kẻ đi qua cọ ba bốn cái
Người đi lại cọ chín mười lần
Em không cho, mích lòng cô bác
Em cho cọ rồi ướt áo mình em.
(Cục đá mài)

Ngoài ra, người dân lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long còn sử dụng hình thức chơi chữ trong câu đố của mình:

Ông lục ổng lội ngang sông
Cái đầu ổng ướt, cái mình ổng khô.
(Lục bình)

Hai tay mang gói thẳng xông
Má kêu mặc má, theo chồng cứ theo.
(Cá bạc má)

Câu đố là một dạng sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long xưa. Ngày xưa, trong quá trình lao động mệt nhọc, bà con ta có nhu cầu nghỉ ngơi, có nhu cầu ca hát, hò… để giải trí, và cũng là để bày tỏ lòng mình. Bên cạnh đó, họ còn đặt ra rất nhiều câu đố để thử tài nhau, để vui cười sau những giờ lao động rã rời. Và đó cũng là để thỏa mãn nhu cầu tri thức của mình. Vì vậy, nói gì thì nói, câu đố vẫn là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất có giá trị trong kho tàng văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long xưa cũng như nay.

Trần Ngu Lạc
Nguồn: e-cadao
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nhiều tác giả, Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long. NXB Giáo Dục – 1999.
2. Dương Thanh Thanh, Câu đố, một trò chơi trí tuệ dân gian. Tạp chí xưa và nay, số 77B tháng 7 năm 2000.