Là cửa ngõ giao lưu kinh tế-văn hóa nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây, Cai Lậy còn là điểm dừng chân hấp dẫn các khách du lịch từ khắp nơi trên đất nước.
Từ du lịch xanh…
Cách thị trấn Cai Lậy 12 km, theo con đường Ba Dừa (đường tỉnh 868) tráng nhựa rộng thênh thang, du khách sẽ đến cảng Tam Bình. Đây là đầu mối giao thông quan trọng của huyện Cai Lậy, tiếp giáp với xã Kim Sơn huyện Châu Thành, qua di tích Rạch Gầm Xoài Mút và khu công nghiệp Mỹ Tho; đầu kia nối liền miệt vườn Long Trung với nhiều loại trái cây ngon như cam sành, bưởi da xanh. Tam Bình còn là điểm nối liền giữa hai bờ sông Năm Thôn với cù lao Ngũ Hiệp, một cù lao trù phú và cũng là địa điểm du lịch có tiếng của huyện Cai Lậy.
Cũng như các xã Nam lộ, thế mạnh của xã Ngũ Hiệp là kinh tế nông nghiệp chủ yếu từ thu nhập vườn cây ăn trái. Sầu riêng là loại trái cây đặc sản của vùng này. Ngoài ra, Ngũ Hiệp còn có tiềm năng về nuôi trồng, khai thác bãi bồi nuôi tôm cá ven sông Tiền. Kinh tế phát triển, văn hoá-xã hội hoàn thiện dần, giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện, đường đal rộng trải dài gần 10km, các tuyến đường liên ấp được rải đá đỏ, xe cộ lưu thông dễ dàng, từ Ngũ Hiệp có thể đi chuyến phà nhỏ sang Chợ Lách tỉnh Bến Tre hay qua cù lao Tân Phong. Hàng năm cứ vào mùa sầu riêng chín rộ ( từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch) chiếc phà nối hai bờ sông Năm Thôn đông nghịt khách. Cây xanh hai bên đường rợp mát, mùi sầu riêng chín thoảng bay trong gió để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách phương xa. Đấy chính là nét đặc thù của du lịch miệt vườn Ngũ Hiệp.
Liền kề với cù lao Ngũ Hiệp là cù lao Tân Phong. Cù lao Tân Phong nằm án ngữ phần lớn sông Tiền. Chung quanh Tân Phong có nhiều bãi bồi, thủy triều lên xuống hàng ngày, cây cối xanh tốt. Với diện tích đất trồng chôm chôm, Tân Phong không chỉ có vị thế phát triển mạnh kinh tế vườn mà còn nổi tiếng với thú “tắm cồn” bắt ốc gạo, loại hình du lịch sinh thái tự nhiên hấp dẫn nhiều du khách hiện nay. Đến Tân Phong, du khách có thể đi theo đường bộ từ Bình Phú cắt ngang đến bến phà Hiệp Đức, hoặc xuôi theo Quốc lộ 1A, rẽ vào địa phận huyện Cái Bè, qua phà Cái Bè-Tân Phong để vào trung tâm xã. So với Ngũ Hiệp, những con đường ở Tân Phong đang trong giai đoạn hoàn chỉnh bê tông hoá, ven đường là những hàng cây rậm rạp, chôm chôm chín đỏ từng chùm sáng loáng dưới ánh nắng mặt trời như những chiếc lồng đèn đỏ treo cao, những trái mít đeo đầy thân cây…Và nữa, nhiều con rạch nhỏ cắt ngang, ẩn sau tán lá xanh là mái nhà xinh xinh, làm cho khách tham quan thích thú với khung cảnh nên thơ nguyên thủy của miệt vườn sông nước Nam bộ.
Đến tham quan các khu di tích…
Cai Lậy còn là điểm đến của các tuor du lịch về nguồn. Di tích chiến thắng Ấp Bắc nằm trên địa phận xã Tân Phú ngày càng thu hút nhiều du khách phương xa.
Du khách tới đây vừa có dịp nhìn lại nơi diễn ra trận đánh lịch sử ngày 2-1-1963 mà còn thích thú với những cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay, những người dân quê chân lắm tay bùn hiền lành tốt bụng mê hát “sáu câu vọng cổ”. Cuộc sống thanh bình trên quê hương đạn cày bom xới ngày nào mang đến cho khách phương xa một cảm giác phấn chấn: thân thiện, an lành, ấm cúng.
Lăng Tứ Kiệt nằm trên địa phận thị trấn Cai Lậy là khu di tích lịch sử cấp quốc gia thờ bốn vị anh hùng Trần Công Thận, Trương Văn Rộng, Ngô Tấn Đước, Nguyễn Thanh Long (thời kỳ chống Pháp 1868 – 1870 ). Đến đây du khách có thể vào tham quan chợ Cai Lậy, mua đủ loại trái cây miệt vườn tươi ngon về làm quà cho bạn bè, người thân. Ngoài ra, Cai Lậy còn có nhiều di tích nổi tiếng khác như di tích chiến thắng Ba Rài, Vịnh Bà Thu, Đình Long Trung….
Xét về đặc điểm, tính chất, điều kiện tự nhiên, Cai Lậy hội đủ bốn yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Thiên nhiên ưu đãi, Quốc lộ 1A nối dài, giao thông nông thôn ngày càng thực hiện tốt, thuận lợi dễ dàng cho khách đến tham quan. Kinh tế văn hoá – giáo dục không ngừng phát triển. Nhân lực dồi dào với trình độ tri thức ngày càng cao. Mấy năm gần đây, lượng du khách từ thành phố Hồ Chí Minh, kể cả khách nước ngoài đến Cai Lậy ngày càng nhiều. Điều đặc biệt là khách đến tham quan không chỉ vì những cảnh đẹp, những thú vui trên sông nước, mà còn muốn tìm hiểu nét văn hóa của một vùng đất phóng khoáng nổi tiếng từ lâu đời này.
Xác định du lịch xanh kết hợp với khai thác thế mạnh của các khu di tích là hướng khai thác tiềm năng du lịch chung của tỉnh. Đây là ngành “công nghiệp không khói” có tính liên ngành xã hội hoá cao. Nếu khai thác hợp lý sẽ tạo bước phát triển nhảy vọt lớn trong việc phát triển đồng bộ nền kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt… Sắp tới, huyện Cai Lậy có hướng phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển chung trong toàn tỉnh dựa trên cơ sở khai thác thế mạnh của từng vùng, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi, phát triển các vườn cây ăn trái trọng điểm như Tam Bình, Ngũ Hiệp… sản xuất ra nhiều loại trái cây ngon với ý tưởng “mùa nào thức ấy” bên cạnh việc củng cố và phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các địa điểm có tiềm năng du lịch, nhằm tuyên truyền quảng bá rộng rãi về địa phương.