Mùa nước nổi miền Tây bắt đầu từ tháng 7 Âm lịch đem đến một đặc sản không thể nào quên, đó là cá linh.
Mùa nước nổi ở miền Tây là do nước từ thượng nguồn sông Mekong từ Campuchia đổ về, qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp rồi đến các nhánh khác của sông Cửu Long mà đổ ra biển. Từng đàn cá linh xuôi dòng từ thượng nguồn đổ xuống các sông rạch, ruộng lúa ở đồng bằng Nam Bộ để bảo toàn nòi giống.
Những con cá linh to bằng đầu đũa đem kho lạt hoặc làm lẩu ăn cùng với các loại rau đặc trưng miền Tây như bông điên điển, bông súng, bông so đũa ngon nhức nhối. Những chú cá linh lớn hơn thì có thể chiên giòn, kho mặn, kho tiêu cũng vô cùng hấp dẫn. Một trong những món ngon dân dã và nhớ đời phải kể đến cá linh kho mía.
Cây mía lau thưa mắt, róc vỏ bên ngoài, chẻ miếng nhỏ vừa ăn, thêm trái dừa xiêm, đập lấy nước để kho với cá. Cá linh sau khi rửa sạch, để ráo nước, chỉ moi ruột, giữ nguyên đầu, đây là bí quyết có món cá linh kho mía mềm ngon tuyệt hảo. Nếu bạn ưa cái đắng nhân nhẩn của mật cá linh thì để nguyên ruột, ăn vậy mới gọi là “phê”.
Cho một lớp mía vào đáy xoong, sau đó cho cá đã ướp đường, muối, nước mắm, đầu hành lá băm nhuyễn vào kho 15 phút cho gia vị thấm đều, sau đó cho nước dừa xiêm ngập xâm xấp vào nấu lửa riu riu tới khi nước cạn, cá chín, xương mềm rục là được, chừng 4- 5 tiếng. Món ăn sẽ càng bắt vị nếu có thêm ít tiêu xay và vài khoanh ớt hiểm.
Chỉ cần ăn cơm nóng với cá linh kho mía thì chao ôi đã ngon mê mệt rồi, đâu dám mơ gì có thêm bát canh chua cá linh nấu bông điên điển nữa. Nhưng có thì càng sướng thần khẩu.
Vị ngọt tiết ra từ cây mía sẽ khác hẳn vị ngọt của đường. Những miếng mía ở dưới đáy nồi cháy cạnh tỏa ra một mùi thơm dịu dàng và thanh tao quá đỗi. Hít hà nồi cá kho, dù sống ở phương trời nào, bạn cũng cảm thấy hương vị quê hương vô cùng thân thuộc.
Tú Quyên