Cá cóc, một loài cá quý hiếm trên sông Tiền và sông Hậu thuộc họ cá chép, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do thịt thơm ngon nên bị săn bắt ráo riết. Món cá cóc kho nước dừa ăn với xoài sống bằm nhuyễn và món đầu cá cóc nấu canh chua có mặt trong một vài quán ăn ở TP Vĩnh Long đã vang danh khắp nơi. Nhưng hiện nay thực khách nào may mắn mới được thưởng thức món cá đặc sắc này, bởi con cá cóc đang ngày càng vắng bóng.
Chúng tôi tìm được Sáu Ỉa lúc ông ngồi một mình trên bè nuôi cá điêu hồng gần chân cầu Mỹ Thuận. Tay ông hờ hững ôm cây cần câu máy, miệng hát nho nhỏ những câu vọng cổ trong vở cải lương “Tuyệt tình ca” nổi tiếng của đất Vĩnh Long. Ông Sáu Ỉa tên thật là Nguyễn Văn Sáu, 59 tuổi, dáng người vạm vỡ quắc thước, giọng cười rổn rảng vang động sóng nước sông Tiền. Hỏi tại sao có cái tên kỳ cục vậy, ông Sáu cười ha hả, nói đó là “nghệ danh” của bạn nhậu đặt cho, chẳng có gì phải bận tâm. Kêu kể chuyện săn cá cóc, ông Sáu tròn mắt: “Sao biết tui chuyên nghề săn cá cóc? Chắc chủ quán cơm Tân Tân khai ra chớ gì?”
Ông Sáu nói, người đời xưng tụng như vậy nhưng so với ông Bảy Tương, một bậc thầy săn cá cóc trên sông Tiền, sông Cổ Chiên suốt mấy chục năm qua thì ông chẳng là cái đinh gì. Ông Bảy Tương chỉ cần một chiếc xuồng, vài đường câu giăng, mấy tay lưới và cây dầm, bơi xuồng dọc theo các triền sông, nhìn xoáy nước là biết nơi nào có cá cóc trú ngụ để thả câu, giăng lưới. Thậm chí ông Bảy Tương chỉ cần lặn xuống nước một hơi, ngoi lên là biết những con cá dưới sông lớn hay nhỏ. Nhưng nay ông Bảy Tương đã quy tiên, ông Sáu Ỉa là truyền nhân của ông Bảy nghiễm nhiên trở thành “vua cá cóc”, bởi tính đi tính lại thì ở cái xóm hạ bạc đình Cái Đôi chẳng còn ai có thâm niên lặn hụp trên sông nước hơn 30 năm câu cá cóc “thành thần” như ông Sáu.
“Con cá cóc lạ lắm, nó ăn ngầm sát đáy sông, chỉ chui rúc ở những vực sâu xoáy nước, gốc cây chìm, trụ các cây cầu, bến phà… Khi nào nước đứng nó mới lội khơi khơi ra ngoài sông rộng. Cho nên bắt được một con cá cóc phải dụng công rất nhiều”, ông Sáu kể. Theo ông Sáu, thợ săn có hai cách bắt cá cóc phổ biến là giăng câu ngầm và thả lưới dầm. Câu ngầm, mỗi đường câu chừng 200-300 lưỡi câu loại trung, mỗi lưỡi móc vào đuôi một con tép lóng còn sống (loại tôm nhỏ bằng ngón tay người lớn, món ăn khoái khẩu của cá cóc), thả câu sát đáy sông vào lúc nước sắp đứng lớn để con mồi bơi lội tung tăng (tép chết cá cóc không cắn câu). Giăng lưới dầm không nhạy bằng giăng câu, lưới cũng thả sát đáy sông, nhưng bù lại cá mắc lưới là chịu chết, ít khi bị sẩy như giăng câu. “Hồi xưa sông Tiền đoạn từ Cao Lãnh về Sa Đéc qua Mỹ Thuận xuôi xuống Cái Thia, Cái Bè tui thuộc như lòng bàn tay, chỗ nào có cá cóc trú ngụ nhiều tui đều biết ráo. Đặc biệt là khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ, cá cóc nhiều vô kể, có con sống lâu lên lão làng, nặng hơn 10kg. Cá cóc câu quanh năm, mỗi ngày câu được 20-30 con là chuyện thường, nhưng không có con nào nặng quá 20kg. 10 năm trở lại đây, do nạn săn bắt ráo riết nên cá cóc ngày càng vắng bóng, nhiều khi đi cả ngày dưới sông hổng bắt được một con, cá 5- 10kg trở lên càng hiếm”, ông Sáu buồn bã nói.
Anh Út, “đệ tử chân truyền” của ông Sáu nói, mấy năm gần đây cá cóc được quán cơm Tân Tân mua hết, có bấy nhiêu mua bấy nhiêu, vì nhu cầu thưởng thức của khách rất cao, nhưng ngày càng khó kiếm con cá đặc sản này. “Phải là người rành rẽ sông nước mới phân biệt được đâu là con cá cóc, đâu là con cá cầy. Con cá cầy hình dạng tương tự như con cá cóc, trên lưng cũng có chiếc gai lớn, nhưng nhìn kỹ thì bề bản và chiều ngang thân mình cá cầy to hơn cá cóc, thịt ăn dở ẹc, bở rẹt”, anh Út cho biết. Hiện nay tại chợ Vĩnh Long, cá cầy và cá cóc có giá chênh lệch nhau rất xa, nhưng người bán cứ gọi chung là cá cóc, người mua thì rất ít ai nhận ra.
Năm 2002, sau nhiều chuyến khảo sát dọc sông Tiền, nhận thấy cá cóc có nguy cơ tuyệt chủng trước nạn săn bắt ráo riết, các cán bộ của Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã lên kế hoạch bảo tồn và cho sinh sản nhân tạo loài cá đặc sản này.
Tiến sĩ Phạm Văn Khánh- Giám đốc trung tâm- kể khi bắt tay vào dự án, ông và các cộng sự phải qua quán cơm Tân Tân năn nỉ mua lại một con cá cóc đã chết với giá gần 100.000 đ/kg đem về mổ xẻ nghiên cứu. Sau đó, các cán bộ của trung tâm lặn lội khắp các tỉnh thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu, tìm đến các xóm làm nghề hạ bạc đặt mua cá cóc về làm giống, nhưng chẳng mua được con nào dù lâu lâu lại nghe cá cóc xuất hiện ở nơi này, nơi nọ, chủ yếu là trong các nhà hàng, quán ăn. Đến khi trung tâm bấm bụng đặt mua cá với giá rất cao (hơn 100.000 đ/kg) và hướng dẫn ngư dân kỹ thuật giữ cá còn sống mạnh khỏe thì trung tâm mới mua được gần trăm con cá cóc bố mẹ làm nguồn giống sinh sản nhân tạo. Hiện nay đàn cá cóc bố mẹ của trung tâm thuần dưỡng đã đạt trọng lượng hơn 10 kg/con và đã cho sinh sản nhân tạo thành công, nhưng việc nhân nuôi đại trà vẫn còn khó khăn vì người dân chê nuôi cá cóc lời ít. “Cá cóc sinh sống ở nơi nước chảy xiết, thuần dưỡng được trong ao nuôi nước tĩnh đã là một kỳ công. Nhưng người dân không muốn nuôi cá cóc vì tăng trọng chậm, nuôi một năm chỉ đạt khoảng 300- 500g, không hiệu quả kinh tế như các loài cá khác, thịt cá cóc nuôi cũng không ngon bằng cá ngoài tự nhiên”, ông Khánh cho biết.
Cá cóc sinh sản nhân tạo thì nông dân không chịu nuôi, trong khi cá ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt vì bị săn bắt quá mức, nên con cá cóc đặc sản sông Tiền và sông Hậu đã trở nên quý hiếm.
Anh Nguyễn Nhật Thanh- người chuyên nghề câu cá trên sông Hậu- cho biết, thỉnh thoảng lâu lâu mới câu được 1- 2 con cá cóc nhưng trọng lượng chỉ 1- 2kg là cùng, rất hiếm khi có cá lớn. Giá cá cóc hiện nay cũng rất cao nên ít khi để lại ăn, chỉ khi nào có khách quý mới giữ lại một con đãi khách.
Ông Sáu Ỉa nói, 2 năm nay ông không còn đi khắp các nhánh sông câu cá cóc, nhưng ngồi trên bè cá câu thời câu vận… Lâu lâu may mắn cũng dính được một chú cá cóc nặng chừng 2-3kg, nhưng ông nhất quyết không bán, hú gọi bạn bè tụ lại nấu canh chua, chưng tương, kho nước dừa trộn xoài bằm nhậu một bữa cho… biết mùi đặc sản. “Một ký cá hiện gần cả trăm ngàn đồng nên người ta đi săn ghê lắm, dùng đủ mọi phương tiện, mánh khóe để bắt cá, lớn nhỏ gì cũng bắt ráo. Cứ đà này, vài năm nữa con cá cóc chỉ còn trong dĩ vãng”, ông Sáu ngậm ngùi.
Bài, ảnh: HÙNG ANH- HÙNG HẬU
Nguồn:Vinhlongonline