Dù là món ăn dân dã nhưng kỹ thuật chế biến khá công phu, và các bạn thử xắn tay áo vào bếp: Mua cá lóc tươi sống khoảng non 1kg/con trở lại. Làm cá, rửa sạch, cắt, làm hai khúc: đầu và đuôi. Đầu cá cắt rời với nguyên bộ lòng. Rạch bao tử, lấy thức ăn ra, chà muối, rửa sạch. Tránh không để vỡ mật, giập gan thì bộ ruột mất ngon, bộ ruột cá là phần ngon nhất! Cá đem hấp bằng xửng để nước ngọt trong cá chảy xuống nồi nước lèo bên dưới. Khi thấy cá chín nhăn da thì vớt ra, gợt bỏ da, vẽ cá ra từng miếng bằng ngón tay để riêng. Tiếp theo, sử dụng loại tép to bằng ngón tay còn tươi (sú hoặc tôm sắt) rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp gia vị… trụng chín cho tép săn lại múc ra tô để nguội. Người ta, cho tôm khô vào bọc vải sạch nấu sôi với nước lèo để tăng vị thơm ngọt. Nước lèo phải trong, ngọt nước và có hương vị mặn mà, khi sa mưa xuống, cá lóc đồng thường có trứng, người ta cà nhẹ cho trứng tơi ra, cho vào nồi nước lèo, trứng nổi lên từng hạt nhỏ kết váng vàng tươi trông hấp dẫn! Cũng có thể để nguyên cặp trứng vàng óng.
Trông đơn giản nhưng để chế biến tô bún cá lóc người Kiên Giang phải làm rất nhiều công đoạn
Rau muống chẻ, giá sống, bắp chuối bào sắp dưới đáy tô. Cho một vốc bún sợi nhỏ vào tô, chế nước lèo thật nóng vào, chắt ráo nước, sau đó cho cá và tép lên trên, đổ nước lèo nóng ngập tô, một ít hành lá tươi xanh xắt hột lựu. Ngắt vài cọng rau răm rải lên mặt với vài lát ớt đỏ. Nêm bún bằng nước mắm ngon Phú Quốc mới đúng điệu, làm tăng hương vị tô bún cá và có thể vắt chanh tuỳ thích.
Ở thành phố Rạch Giá, hoặc các chợ huyện, thị trấn của Kiên Giang, bún cá hầu như có bán suốt ngày ở trước các nhà lồng chợ hoặc các vỉa hè nơi đông dân cư. Hiện nay mỗi tô bún thường khoảng 15.000 – 20.000 đồng/tô. Những tô bún thơm ngon, bốc khói nghi ngút là món ẩm thực mà du khách và người dân địa phương rất ưa thích. Bạn có thể lai rai bún cá với ít rượu đế hóng gió biển, cảm nhận sự thú vị trong một buổi chiều nơi cuối đất phương Nam.