Món bì bún chợ Giồng Luông ngon đến mức có người thuê nguyên một cỗ xe ngựa, đi từ Giồng Miễu lên, khoảng hai chục cây số, chỉ để ăn bì bún và mua một ít mang về cho gia đình thưởng thức. Người làm món bún bì tuyệt vời này là bà Bảy Nhái. Hiện nay, món này vẫn còn được kế tục bởi tài năng của con cháu bà Bảy.
Đã là “bún bì” thì đầu tiên phải nói là món “bì”. “Bì” đây chính là da heo thái nhuyễn như sợi bún. Bún là bún gạo ngon, dẻo, hương vị đậm đà. Thịt heo ba chỉ ram lên, miếng thịt săn chắc, ăn vào miệng là “nhớ đời”. Nước mắm pha sao cho ngon? Đây là bí quyết gia truyền, là tay nghề của gia đình bà Bảy. Chỉ biết rằng, nước mắm pha sao cho ớt nổi đều, không bị chìm, nếm vào ngọt dịu. Có người ăn xong đã không ngần ngại rinh cả tô nước mắm mà húp “soạt”, hết hẳn. Rau cũng phải đủ hương vị, mới khoái khẩu.
Tôi nhớ lần được các anh trong UBND xã Đại Điền đãi bì bún, do gia đình bà Bảy làm. Trong buổi đi hôm ấy, khoảng năm 2010, có anh Trung Dương, anh Phong Hải… những người con của đất Thạnh Phú, quê Giồng đã cùng với các anh kỳ cựu như: anh Lượng, anh Thanh Nguyên, anh Kiến Thức rươm rướm nước mắt, ăn tô bì bún mà nhớ về đất giồng xe ngựa. Và, anh Lượng đã đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”…
Đất là thế, đặc sản là thế! Những người con của đất giồng quê xe ngựa lớn lên và có những đóng góp cho xã hội, ngồi nhắc lại ngày xưa để làm nền cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay.